Thị trường bảo hiểm Việt Nam:

Kỳ vọng từ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

PV.

(Tài chính) Ngày 9/9 tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã chính thức ra mắt Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và công bố quyết định thành lập, ra mắt Hội đồng quản lý Quỹ, Ban điều hành, Ban kiểm soát Quỹ. Sự ra mắt của Quỹ này được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc bảo vệ lợi ích chính đáng cho người được bảo hiểm nói riêng và sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp hàng năm của các DNBH theo tỷ lệ 0,1% tính trên doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc. Nguồn:  baovietnhantho.com.vn
Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp hàng năm của các DNBH theo tỷ lệ 0,1% tính trên doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc. Nguồn: baovietnhantho.com.vn

Công khai, minh bạch trong hoạt động

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP. Ngày 30/7/2013 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2013/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Tiếp đó, ngày 4/12/2013 Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 3013/QĐ-BTC về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ. Để kiện toàn bộ máy hoạt động, ngày 16/7/2014, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ đã ban hành các Quyết định về quy chế làm việc của Hội đồng Quản lý, Quy chế làm việc của Ban điều hành, Quy chế làm việc của Ban kiểm soát và Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ.

Theo quy định, Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp hàng năm của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) theo tỷ lệ 0,1% tính trên doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc. Quỹ được hạch toán, theo dõi riêng đối với loại hình bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ để đảm bảo quyền lợi của người được bảo hiểm đối với từng loại hình bảo hiểm đặc thù.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng Quỹ đảm bảo các nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ từ công tác thu đến công tác chi, hoạt động đầu tư, chi trả quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm... Chẳng hạn, đối với các khoản thu về được Quỹ chia cụ thể gồm: Quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ; Quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm phi nhân thọ; chi quản lý Quỹ (không vượt quá 0,5% tổng số tiền thực trích nộp vào Quỹ hàng năm).

Hoạt động đầu tư từ nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ cũng được quy định cụ thể: Mua trái phiếu Chính phủ với số lượng không hạn chế; Mua trái phiếu DN được Chính phủ bảo lãnh với mức tối đa không quá 5% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ tại một DN và không vượt quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ. Đối với hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng thương mại (được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam) thì mức tối đa không quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ tại một ngân hàng thương mại và không vượt quá 50% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ.

Người được bảo hiểm sẽ được chi trả như thế nào?

Hiện nay, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là trong trường hợp DNBH hoặc chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị phá sản thì quyền lợi của người được bảo hiểm sẽ như thế nào?

Theo Bộ Tài chính, việc thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhằm tăng cường an toàn tài chính, nâng cao chất lượng quản trị DN, đáp ứng các chuẩn mực hoạt động kinh doanh. Theo đó, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng nhằm mục đích trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp DNBH, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, DNBH bị phá sản.

Theo quy định tại Thông tư số 101/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong trường hợp DNBH mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều người được bảo hiểm, hạn mức chi trả tối đa của Quỹ được áp dụng đối với từng người được bảo hiểm, trừ trường hợp giữa những người được bảo hiểm và DNBH có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, Quỹ cũng chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH, chi nhánh nước ngoài và không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thì có 2 trường hợp chi trả: hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được chi trả tối đa theo quy định của pháp luật (70 triệu đồng/người được bảo hiểm/vụ); còn các hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của DNBH nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là các DNBH cần thực hiện nghiêm túc việc trích nộp doanh thu vào Quỹ để đảm bảo nguồn Quỹ, trong trường hợp thua lỗ, phá sản người được bảo hiểm sẽ được bảo vệ, giúp nâng cao uy tín của ngành bảo hiểm. Hiện nay, theo quy định trước ngày 30/6 hằng năm, DNBH, chi nhánh nước ngoài nộp 50% số tiền phải nộp Quỹ của năm tài chính trước liền kề. Trước ngày 31/12 hằng năm, DNBH, chi nhánh nước ngoài nộp 50% số tiền phải nộp Quỹ còn lại của năm tài chính trước liền kề.

Hội đồng quản lý Quỹ gồm 8 người, gồm: ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quỹ. Các thành viên Hội đồng Quỹ gồm ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính); bà Nguyễn Thị Lâm Hồng, Phó Giám đốc, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ; ông Nicholas Oliver Holder, Phó Tổng Giám đốc tài chính, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam; ông Chung Bá Phương, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Manulife (Việt Nam); ông Lương Tiến Dũng, quyền Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt; ông Đỗ Tiến Thành, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI; ông Phạm Xuân Phong, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh.