Kỳ vọng về một đợt "sóng"
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một sự mất mát lớn nhất từ đầu năm 2019 tới nay. Rủi ro của thị trường ngày càng tăng cao là điều hiển nhiên sau những biến động mạnh vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tập trung “đổ bộ” lên sàn vào 2 tháng cuối năm có thể mở ra kỳ vọng về một đợt “sóng” trước thềm năm mới.
“Thận trọng” là cụm từ được nhắc đến hầu hết trong các báo cáo của các công ty chứng khoán (CTCK) những ngày gần đây, sau khi thị trường giáng một đòn nặng nề vào tâm lý của phần đông các nhà đầu tư (NĐT) tại thời điểm đánh mất ngưỡng 1.000 điểm.
Điều này thể hiện qua việc Vn-Index giằng co trong biên độ hẹp, thanh khoản nhỏ giọt khi áp lực bán giảm dần tại các cổ phiếu trụ. Nguyên nhân có thể do thị trường trong nước thiếu thông tin hỗ trợ, trong khi thế giới vẫn còn nhiều bất ổn nên dòng tiền không được đưa vào thị trường.
12 cổ phiếu sắp lên HoSE
Điểm sáng của thị trường trong thời gian tới đây có thể đến từ việc hiện có 12 doanh nghiệp (DN) đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE và đang trong danh sách chờ xem xét, trong đó có khá nhiều DN lớn, tập đoàn kinh tế nhà nước.
Ngày 19/11 vừa qua, HoSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Theo đó, nhà băng này dự kiến niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu trên sàn với mã chứng khoán MSB, tương đương vốn điều lệ của ngân hàng là 11.750 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc MSB trở thành ngân hàng thứ 11 niêm yết tại HoSE. Trước khi có thông tin niêm yết, cổ phiếu MSB được giao dịch trên hệ thống sàn OTC với giá chỉ khoảng 7.000 – 9.000 đồng/cp. Hiện nay, cổ phiếu đang được thỏa thuận với vùng giá trên 10.000 đồng/cp.
Một cái tên đáng chú ý khác là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, mã: GVR) tới đây cũng sẽ chào sàn HoSE sau một thời gian dài niêm yết trên UPCoM, trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước thứ 3 niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch này.
Hiện, Việt Nam có 10 tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động, trong đó có 4 đơn vị đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Riêng tại sàn HoSE đang có 2 đơn vị là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã: PLX) và Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH).
Trền sàn UPCoM, VRG đang là DN có vốn điều lệ lớn nhất với 40.000 tỷ đồng và vốn hóa thị trường lớn thứ 4 với 56.000 đồng, chỉ xếp sau Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV), Viettel Global (mã: VGI) và VEAM Corp (mã: VEA).
Mới đây nhất, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, mã: BCM) đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE với khối lượng 1,035 tỷ cổ phiếu. Thời gian thực hiện chuyển sàn ngay trong quý IV/2019 và dự kiến giao dịch chính thức vào đầu tháng 1/2020.
Bên cạnh những DN có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ, còn những cái tên nghìn tỷ khác cũng đã nộp hồ sơ lên HoSE như Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) hiện đang giao dịch trên HNX, CTCP Nhựa Hà Nội (mã: NHH ) đang giao dịch trên UPCoM…
Vẫn còn sự nghi ngờ
Thực tế, các NĐT luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những “làn gió mới”, nhưng chỉ có thể đúng trong bối cảnh thị trường đang vận động bình thường. Cần phải nhắc lại là các NĐT chứng khoán vừa phải nhận về nhiều “trái đắng” trong khoảng hơn 1 tuần giao dịch vừa qua.
Kết quả của việc sụt giảm nhanh, mạnh và đột ngột đã khiến một bộ phận NĐT cá nhân “không kịp trở tay”. Thực tế, hầu hết các NĐT cá nhân tham gia thị trường trong thời gian vừa qua đều phải chịu thua lỗ, kéo theo việc rời bỏ thị trường khiến thanh khoản sụt giảm.
Tình trạng này càng làm tăng thêm sự “thảm hại” của thanh khoản đã kéo dài từ đầu năm. Theo báo cáo của HoSE, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tính đến tháng 10/2019 đã giảm 35% so với cùng kỳ, đạt 702.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 4.900 tỷ đồng/phiên.
Có thể thấy, hiện tượng rơi mạnh của thị trường vừa qua xuất phát từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố đến cùng một thời điểm như hoạt động liên quan đến đáo hạn phái sinh, lực bán ròng của khối ngoại…
Ngoài ra, thị trường cũng bị tác động không nhỏ bởi các thông tin về chính trị quốc tế. Điển hình là việc chưa kịp hết hào hứng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể được ký kết, thị trường đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc hoàn tất thỏa thuận này.
Gần đây nhất là những vấn đề liên quan đến Hồng Kông, bạo lực và bất ổn leo thang liên tiếp tại đây đã đặt Mỹ vào tình thế “không thể không lên tiếng” và một dự luật về Hồng Kông đã được cả thượng viện và hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu thuận áp đảo. Trong khi đó, động thái này lại là điều khó chấp nhận với Trung Quốc…
Dù vậy, thị trường cũng không hẳn là không đón tin vui khi HoSE công bố 3 chỉ số mới cho các cổ phiếu đã hết room ngoại – được cho là “hành lang” đầu tiên cho việc thiết lập các ETFs có liên quan. Tuy nhiên, do các thông tin liên quan đến việc vận hành ETFs tính đến hiện tại vẫn không quá rõ ràng, đã khiến tâm lý NĐT hụt hẫng.
Vì vậy, đánh giá chung của nhiều công ty chứng khoán là thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn, nên các NĐT cần cân nhắc giữ tỷ trọng ở mức hợp lý để tránh các rủi ro bất ngờ.