Lạc giữa rừng dự án
Như những đánh giá tổng quan về thị trường quý III và tháng 10 vừa qua đến từ các đơn vị tư vấn, VnREA, thị trường bất động sản đang thực sự bước vào giai đoạn nước rút. Thậm chí, địa ốc Hà Nội còn chứng kiến cuộc so găng ngầm giữa các ông lớn – chủ đầu tư dự án quy mô trong bối cảnh nguồn cung đang gia tăng đáng kể.
Ở những dự án đã thành hình, chiến thuật cạnh tranh sẽ là khẳng định giá trị sản phẩm thông qua nhiều yếu tố có lợi cho người mua. Trong đó, tiện ích xanh kèm theo các hạng mục sinh hoạt đáp ứng tốt nhất đời sống được vận dụng triệt để.
Đại gia cạnh tranh bằng tiện ích
Theo con mắt người mua nhà để ở lẫn giới đầu tư, việc dự án nào vừa đảm bảo yếu tố an cư đúng nghĩa lẫn sinh lời (khi giao dịch sang nhượng) sẽ được quan tâm hàng đầu.
Thời gian gần đây, có thể nhận ra tầm ảnh hưởng của tiêu chí xanh trong thiết kế căn hộ lẫn tổng khu – một yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị – giá thành sản phẩm.
Chính vì thế, những tổ hợp quy mô như Royal City mới đây, Time City hiện hữu, Mandarin Garden, Hòa Bình Green City hay chỉ mới được quây tôn quảng cáo như 82 Nguyễn Tuân, Sunshine Center đều lọt vào tầm ngắm của khách hàng.
Về phía chủ đầu tư, chiến thuật kinh doanh, phát triển dự án vốn dĩ đã đón đầu được dòng chảy thị trường nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc.
Trung tuần tháng 11, mau chóng chứng kiến hai dự án ở hai đầu thành phố bung mở hàng loạt thông số tiện ích mang tới các cư dân tương lai là Goldmark City (Bắc Từ Liêm) và EcoHome Phúc Lợi (quận Long Biên).
Sau hai năm chính thức ra mắt thị trường BĐS thủ đô, Goldmark hiện đang trở thành một đối trọng đáng kể với các dự án tiêu điểm tại phía Tây Hà Nội như FLC 36 Phạm Hùng hay Sun Square.
Được biết, các tiện ích được Việt Hân và TNR Holdings “bạo chi” bao gồm những dịch vụ chuẩn 5 sao về giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Trong đó, có thể nhắc tới một số thương hiệu sẽ quy tụ trong quần thể này như hệ thống trường mầm non Royals Kids, American School, KMark, Paris Baguette… Đáng chú ý, tương tự với xu hướng xanh đang ngày càng nhận được sự kỳ vọng của người tiêu dùng hiện đại trong từng dự án nhà ở, tổ hợp 12ha ghi nhận ngót 70% diện tích quỹ đất làm cảnh quan và cây xanh.
Còn nhớ, cách đây khoảng 1 năm, nhiều suất căn hộ (diện tích dưới 80m2) từng được rao với giá dưới 28 triệu đồng/m2. Tới nay, khi dự án đã thành hình và hứa hẹn nhiều điểm cộng cho cuộc sống quần cư, các căn hộ điển hình trở nên “đắt xắt ra miếng” theo quãng giá vượt 30 triệu đồng/m2 trên chợ nhà đất.
Trao đổi với phóng viên, một khách hàng đầu tư giàu kinh nghiệm thừa nhận: dịch chuyển giá là điều dễ hiểu. Bởi dự án càng thi công lên cao, càng được bồi đắp các giá trị tiện ích thì giá thành sẽ tỷ lệ thuận.
Về phần mình, EcoHome Phúc Lợi của chủ đầu tư Capital House cũng tỏ ra không kém cạnh. Ở tầm giá thấp hơn, dự án tại quận Long Biên lại ghi điểm về thông số xanh – thể hiện qua chứng chỉ quốc tế EDGE được trao mới đây.
Thậm chí, bằng những lợi thế từ “xanh hóa” chung cư giúp cư dân tiết kiệm giá thành chi phí sinh hoạt lẫn không gian trong lành, dự án của Capital House chứng minh sức hút của mình với những khách hàng không rủng rỉnh hầu bao nhưng vẫn muốn được tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa…
Việc “bung lụa” các tiện ích công trình ở hai dự án (thuộc hai phân khúc khác nhau, hai chủ đầu tư riêng biệt) trên đây chính là minh họa cho những cuộc cạnh tranh ngầm giữa các ông chủ dự án khi nguồn cung đang dồn dập bung ra những ngày cuối năm.
Cộng sinh thay vì loại bỏ
Vài tháng nay, cộng đồng đầu tư địa ốc nhắc tới trục Lê Văn Lương – Tố Hữu với cuộc đua song mã Hải Phát – Nam Cường với những ý kiến trái chiều.
Ở Hải Phát, đó là ánh mắt ngạc nhiên khi đơn vị này liên tiếp gây sốc thị trường bằng các thương vụ bạo chi ở góc phía Tây. Lần lượt những Usilk City, Roman Plaza, Phú Lương… đều ghi dấu ấn của doanh nghiệp.
Càng chú ý hơn, bởi Hải Phát phát triển đồng thời cả dòng sản phẩm nhà ở xã hội bên cạnh các dự án nhà ở thương mại thuần túy. Gần nhất, với dự án Roman Plaza (mặt đường Tố Hữu, cách quần thể của Nam Cường vài phút di chuyển), Hải Phát cho thấy tham vọng của mình khi chính thức đặt chân tới vùng đất Dương Nội.
Ngược lại, theo trí nhớ của nhiều người, Nam Cường Group vốn …không có đối thủ ở thị trường BĐS Hà Nội bằng số lượng dự án, quỹ đất khổng lồ lẫn tầm vóc đầu tư của tập đoàn giai đoạn trước. Khi Anland – một hạ phần trong khu đô thị Dương Nội, được chủ đầu tư chính thức công bố gần đây, đồn đoán về một Nam Cường trở lại (và lợi hại hơn xưa) xuất hiện.
Nhìn nhận về sự có mặt đồng thời của một thế lực mới và một “giá trị truyền thống”, có ý kiến cho rằng điều này phù hợp với vận động thị trường, chính sách đầu tư lẫn đáp ứng chính nhu cầu thực tế.
Hai dự án nêu trên, đều có lợi thế riêng. Nếu AnLand được chủ đầu tư dồn trí lực cho tính an lành, cuộc sống giàu giá trị nhân sinh cho người dùng, thì Roman Plaza trong tay Hải Phát dự báo cũng không kém phần thỏa mãn những khách hàng hiện đại bằng nhiều tiện ích sức khỏe, hồ điều hòa…
“So về giá trị thương hiệu hay giá trị thụ hưởng căn hộ, sẽ rất khó phân định bên nào hơn. Ngược lại, nếu để lựa chọn, có lẽ người có nhu cầu ở sẽ phải… nghiêng về Nam Cường. Còn liên quan tới đầu tư, giá trị sinh lợi của Roman Plaza có phần nhỉnh hơn”, nhà đầu tư Mạnh Đạt đánh giá.
Thú vị ở đây, chính là yếu tố cộng sinh giữa hai dự án, thay vì loại sinh như nhiều người từng vội vã bình luận.