Lạc quan vào tương lai thị trường địa ốc
Hậu Covid-19, tâm lý e ngại đầu tư, siết chặt chi tiêu của khách hàng đang là những thách thức lớn đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn lạc quan và đang chuẩn bị cho những kế hoạch mới.
Khởi động lại sau dịch
Trải qua 4 tháng đầu năm với nhiều biến động, thị trường bất động sản năm 2020 được nhận định là một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, để không bị tụt lại phía sau, ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch và giải pháp tối ưu để trở lại nhanh nhất có thể.
Cụ thể, Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding đã có quyết định bổ nhiệm hàng loạt nhân sự ở vị trí lãnh đạo cấp cao, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
“Đứng trước những khó khăn, thách thức lớn của thị trường, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần phải vững vàng hơn và liên tục thay đổi linh hoạt để thích ứng. Tại Asian Holding, chúng tôi đặt ra phương châm lấy nhân làm gốc, vì thế mọi sự thay đổi sẽ bắt đầu từ yếu tố con người. Với đường hướng phát triển mới, chúng tôi luôn cần đến sự đồng hành của bộ máy nhân sự cấp cao là những lãnh đạo tài ba”, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding nói.
Theo ông Hậu, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất điều hành. Đây là một trong những động thái sẽ giúp thị tường tốt hơn, giao dịch vẫn có, nhưng chắc chắn sẽ không sôi động được như trước.
“Ở thời điểm hiện tại, những chủ đầu tư lớn, làm dự án bài bản vẫn bán hàng tốt. Nhưng nhìn chung về thị trường, thì phải đến khoảng quý III/2020 mới khởi sắc trở lại. Đây cũng là lúc chúng tôi mở bán giai đoạn 2 dự án Asian Lake View”, ông Hậu cho biết thêm.
Mới đây, chủ đầu tư Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng đã công bố chương trình bán hàng đặc biệt dành cho khách hàng tại dự án The Antonia. Cụ thể, khách hàng mua sản phẩm ở đây có thể chọn một trong hai chương trình ưu đãi là miễn phí quản lý trong 2 năm đầu, hoặc chiết khấu 1% giá trị sản phẩm (không bao gồm tiền sử dụng đất).
Ngoài ra, với khách hàng mua The Antonia, nhưng đồng thời cũng đang sở hữu các sản phẩm của chủ đầu tư như Phú Mỹ Hưng Midtown hoặc Saigon South Residences, còn được tham gia chương trình hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi 0% cho khoản vay tương đương 30% giá trị hợp đồng từ khi ký hợp đồng đến khi nhận nhà.
Đại Phúc Land cũng đang lên kế hoạch để hoàn thiện tiện ích nội khu bên trong dự án Vạn Phúc Riverside City. Cùng với đó, doanh nghiệp này tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện và bàn giao nhà, căn hộ sau thời gian giảm nhịp vì giãn cách xã hội.
Tại Bình Dương, chủ đầu tư Bcons cũng đang rục rịch cho kế hoạch đưa 2 dự án Bcons Green View và Bcons Garden có quy mô hơn 2.500 căn hộ ra thị trường. Khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp thêm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền tại khu vực giáp ranh với TP.HCM.
Bên cạnh việc chuẩn bị kế hoạch tung sản phẩm ra thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang tiến hành tuyển dụng nhân sự rầm rộ sau thời gian khó khăn. Đơn cử, Công ty TNHH Sàn giao dịch bất động sản TLH đang lên kế hoạch tuyển dụng khoảng 2.000 nhân viên, cộng tác viên cho kế hoạch triển khai bán hàng sắp tới.
Cơ hội còn rất lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings cho biết, ở thời điểm hiện tại, cơ hội đang dành cho người mua. Bởi thông thường, bất động sản trong những năm kinh tế ổn định thì giá sẽ tăng khoảng 20 - 30%/năm. Trong khi đó, tiền lương cố định của khách hàng, những người có công việc ổn định, chỉ tăng khoảng 5 - 10%/năm. Biên độ tăng của tiền lương, thu nhập chính của khách hàng với mức độ tăng giá của bất động sản quá chênh nhau, khiến việc tiếp cận của khách hàng ngày càng khó khăn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hậu dịch như hiện nay, có lẽ các chủ đầu tư sẽ cân nhắc lại giá bán. Cần phải nói rõ thêm rằng, đối với bất động sản đã hình thành hoặc đưa vào sử dụng thì ít có chuyện giảm giá, nhưng đối với những dự án mới thì sẽ được cân nhắc. Có thể thấp hơn kỳ vọng của năm trước.
Còn đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, rõ ràng đây là một giai đoạn khó khăn. Sức mua của thị trường yếu đi, trong khi doanh nghiệp vẫn phải gánh rất nhiều gánh nặng khác như chi phí lãi vay, chi phí cố định tăng nhiều hơn so với thời điểm chưa có dịch…
Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ kèm theo cơ hội dành cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và sự chuẩn bị tốt. Nhiều chủ đầu tư đang sẵn sàng cho việc mua bán sáp nhập sau mùa dịch.
Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, mà còn tác động dây chuyền đến hơn 50 ngành nghề liên quan đến bất động sản như xây dựng, vật liệu, thị trường lao động, thị trường tài chính…
Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư, vì triển khai các dự án cần đến nguồn vốn rất lớn. Nhưng đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản thì lại là cơ hội rất lớn. Bởi họ sử dụng đòn bẩy tài chính một cách chừng mực, có thể vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội tốt.
“Nhìn từ bức tranh toàn cảnh, bất động sản Việt Nam vẫn là một thị trường có nhiều lợi thế, thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo đó, quy mô dân ở Việt Nam xấp xỉ 100 triệu dân, độ tuổi từ 25 - 40 tuổi chiếm tỷ lệ 55%, nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn; tốc độ tăng trưởng GDP ổn định 6,5 - 6,8% trong nhiều năm qua, nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ… Đây chính là điều kiện rất tốt để nhà đầu tư có thể yên tâm khi tìm đến đầu tư ở Việt Nam”, đại diện Savills chia sẻ và phân tích thêm, một số tín hiệu tích cực sẽ xuất hiện thúc đẩy thị trường quay trở lại nhịp độ trong giai đoạn 2020 - 2021.
Đơn cử, một số điểm sáng như mới đây UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho 63 dự án bất động sản, cùng một loạt các chính sách, chỉ thị ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, như gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, hay các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư…, với những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây, sẽ là một công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
“Chúng tôi hy vọng rằng sau khi dịch đi qua, cộng với những chính sách rất kịp thời và phù hợp của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội và sớm có nhiều thành quả tốt đẹp”, TS. Sử Ngọc Khương chia sẻ.