Lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu và yếu tố năng suất lao động tổng hợp
(Tài chính) GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu và yếu tố năng suất lao động tổng hợp khi ông đề cập về triển vọng kinh tế năm 2014.
Việt Nam đang hướng đến Cộng đồng ASEAN 2015, đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do, đáng chú ý là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP… Vì vậy triển vọng tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn.
Đặc biệt, ông Vương Đình Huệ đề cập đến yếu tố về năng suất lao động tổng hợp (TFP) đã bắt đầu xuất hiện, đây là điều đáng lạc quan.
Những thời kỳ trước đây tín dụng tăng bình quân 36%/năm, có năm cao điểm như năm 2009 là trên 50% nhưng tăng trưởng chỉ đạt 6-7%. Hiện tại, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của chúng ta mới chỉ 12% nhưng mức tăng trưởng đã hơn 5,4%. Cần ít vốn hơn cho cùng một mức tăng trưởng do đã dẫn vốn đến đúng địa chỉ nên mang lại hiệu quả hơn rất nhiều. Nhận định một cách trực quan, chúng ta có thể thấy rõ ràng qua các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, tiến độ đảm bảo với chất lượng tốt hơn.
Nhìn lại năm 2013, phải khẳng định việc thực hiện ba đột phá chiến lược đã có những điểm mới so với trước đây. Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết về khoa học công nghệ, Quốc hội đã ban hành Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi), Hội nghị Trung ương 8 đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Những bước đi trên sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc đột phá nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao năng suất lao động tổng hợp.
Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh 2014 là năm chúng ta tiếp tục triển khai ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng. Tổng mức đầu tư cho toàn xã hội sẽ không thấp hơn 2013 nếu tính cả nới bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội.
Điểm mới là trong số trái phiếu Chính phủ tăng thêm lần này đã xác định rõ trọng điểm sử dụng, có “địa chỉ” rõ ràng, đó là tập trung cho việc nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, các công trình thủy lợi và bệnh viện, và dành phần thích đáng làm vốn đối ứng cho nguồn vốn ODA… “Vốn đầu tư mồi” của Nhà nước sẽ kích hoạt được đầu tư của khu vực ODA và của khu vực tư nhân cùng hợp sức.
Theo ông Vương Đình Huệ, nhiều nội dung trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu vẫn còn giá trị cao trong năm tới đây. Các bộ, ngành cần phải triển khai hiệu quả hơn.
Về dài hạn, trong ba đột phá chiến lược hiện nay, ông Huệ hoàn toàn chia sẻ việc xác định đột phá về cải cách thể chế và hành chính là một trong những trọng tâm, vì vấn đề này không tốn nhiều nguồn vốn vật chất, chủ yếu là “vốn con người”. Ông cho rằng ở đây không chỉ dừng ở khái niệm tháo gỡ mà đặt ra triết lý cao hơn, là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp qua việc hoàn thiện thể chế để khơi thông được các nguồn lực, giải phóng mọi lực lượng sản xuất để phát triển.
Bên cạnh việc tạo động lực thì cũng cần tạo “áp lực” trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách về thời gian hoàn thành, định tính, định lượng, tuyệt đối không chung chung, áng chừng; tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, sao cho nhanh, rõ ràng, minh bạch… Như thế, chúng ta sẽ tạo được đồng thuận và niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc cổ phần hóa, thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, áp dụng theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.