Lại kỳ vọng tăng tỷ giá
(Tài chính) Một tuần trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%, lúc này sự xao động của thị trường đã phần nào lắng xuống. Tuy nhiên, với việc các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục điều chỉnh tăng giá mua bán đô la trên thị trường, nhiều người dân và doanh nghiệp không khỏi e ngại: liệu tỷ giá VND/USD có tăng nốt 1% dư địa còn?
Điều chỉnh không bất ngờ nhưng…
Điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến doanh nghiệp nhập khẩu dù ít hay nhiều. Theo phân tích của một số chuyên gia những doanh nghiệp (DN) ngành thép, dệt may… là những ngành sẽ gặp tiêu cực khi điều chỉnh tỷ giá tùy mức độ quy mô sản xuất.
Còn DN xuất khẩu hàng gia dụng, ngành thủy sản, cao su và khai khoáng có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo khảo sát thì các DN nhất là DN lớn của ngành thép cho biết, việc dự trù tăng tỷ giá đã được tính toán trong kế hoạch của cả năm với mức độ tối đa là 2% mà NHNN gửi thông điệp đến thị trường. Do đó, biến động về tỷ giá lần này không mang yếu tố bất ngờ và chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận của những công ty này.
Lãnh đạo DN lớn cho biết, việc điều chỉnh lần này theo định hướng NHNN đưa ra từ đầu năm nên bản thân DN này đã tiên lượng và đưa vào phần tính toán trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
“Tôi cũng có nghe thông tin DN găm USD kỳ vọng giá tăng khiến các ngân hàng không mua lại được ngoại tệ. Nhưng, tôi nghĩ số DN này không nhiều vì mấy năm trở lại đây tỷ giá duy trì ổn định, nên DN thường có xu hướng không tích trữ USD. Việc điều chỉnh tỷ giá ở mức 1 hay 2% không tác động nhiều đến hoạt động của chúng tôi quá nhiều nhất là khi đã chủ động”, vị này cho biết thêm.
Ở chiều ngược lại, có ý kiến phàn nàn thời gian qua, một số ngân hàng thương mại lớn đã găm hàng chờ tỷ giá tăng. Lãnh đạo NHTM cổ phần cỡ vừa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân khan USD có thể từ trong điều kiện tỷ giá ổn định cũng có nhiều ngân hàng để trạng thái âm ngoại tệ bán USD chuyển sang VND để kinh doanh. Khi nghe phong thanh tỷ giá có biến nhiều ngân hàng mua ngoại tệ để cân bằng trạng thái làm cho sức cầu thị trường tăng trong nhất thời.
Nhưng đến thời điểm này, qua theo dõi của vị lãnh đạo này, hoạt động giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng trở lại bình thường, chưa có DN nào của ngân hàng kêu về việc điều chỉnh tỷ giá.
Găm hàng chờ tăng tiếp?
Sáng 25/6, Sở giao dịch NHNN đã tăng tỷ giá mua bán USD lên 21.100 - 21.400 đồng/USD, giữ nguyên giá mua vào và tăng giá bán ra thêm 154 đồng. Trước đó, tỷ giá USD tại Sở giao dịch NHNN được giữ ở mức 21.100 - 21.246 đồng/USD sau 1 tuần NHNN thông báo tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng VND/USD từ 21.036 đồng/USD lên 21.246 đồng/USD. Với biên độ tỷ giá +/- 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.458 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.034 đồng/USD.
Tại Vietcombank, giá USD duy trì ở 21.300 – 21.360 đồng/USD (mua vào - bán ra). Còn VietinBank hạ tỷ giá xuống 21.290 - 21.360 đồng/USD sau khi tăng tới hơn 30 đồng cả chiều mua và bán có thời điểm giá bán lên tới 21.390 đồng/USD. Eximbank giảm 10 đồng giá USD cả mua vào và bán ra về 21.290 - 21.370 đồng/USD...
Việc Sở giao dịch NHNN điều chỉnh tăng giá USD được một chuyên gia nhận định là không có vấn đề bất thường.
“Sự điều chỉnh theo tín hiệu thị trường là hợp lý. Trong khi các NHTM đều điều chỉnh giá thì cơ quan quản lý một mình một ngựa”, vị này bình luận.
Theo quan điểm của một số chuyên gia, không thể kéo dài mãi neo tỷ giá mà phải điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. “Trò chơi” tỷ giá rất phức tạp. Nếu cứ cố neo tỷ giá, lạm phát ở mức cao so với các đối tác, đồng VND bị lên giá cao hơn so bạn hàng khiến giá cả trên thị trường xuất khẩu trở nên đắt đỏ. Và như vậy có thể không những không khuyến khích xuất khẩu mà còn quay trở lại động viên DN nhập khẩu.
Còn theo TS. Trần Hoàng Ngân, một khi tỷ giá liên tục đụng trần nếu không có chính sách điều chỉnh kịp thời thì có thể dẫn đến “vỡ trận”. Việc điều chỉnh liều lượng 1% là cần thiết bình ổn thị trường lại vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn nhất là nông sản.
Cụ thể hơn, TS. Ngân phân tích: Về lý thuyết, mỗi lần điều chỉnh tăng tỷ giá có lợi cho xuất khẩu, nhưng ở chiều ngược lại nhập khẩu sẽ gặp khó. Ông Ngân cũng lưu ý sẽ không tránh khỏi NHTM găm hàng “chờ thời”. Vì đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối của NHTM, điều chỉnh 1% tỷ giá khá quan trọng chiếm phần đáng kể...
“Chính vì thế, NHNN phải bám sát thị trường và phải can thiệp bằng mọi giá, không được để thị trường kỳ vọng sẽ tiếp tục phá giá nữa”- TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.