Lãi lớn kinh doanh ngoại hối
Nhiều ngân hàng công bố thu lãi lớn từ hoạt động ngoại hối trong 3 tháng đầu năm 2016. Phải chăng tỷ giá ổn định đã giúp kinh doanh ngoại hối của NH khởi sắc trở lại, thay vì chịu lỗ như 2 năm trước.
Lãi lớn từ mua bán ngoại tệ
Trong 3 tháng đầu năm 2016, Techcombank đạt gần 75 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm 2015 bị lỗ 1,85 tỷ đồng. Cụ thể, tổng thu nhập từ kinh doanh ngoại hối đạt 708,6 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ 2015.
Trong đó thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ 473,7 tỷ đồng và thu từ các công ty tài chính phái sinh tiền tệ 235 tỷ đồng. Đây là một kết quả khá ấn tượng, vì trong năm 2015 ngân hàng này đã bị lỗ 192 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối và riêng 3 tháng cuối năm lỗ gần 114 tỷ đồng.
Tương tự, VIB ghi nhận lãi kinh doanh ngoại hối quý đầu năm 2016 hơn 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 20 tỷ đồng và cả năm 2015 lỗ hơn 10 tỷ đồng. Theo thuyết minh của VIB, thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay đạt 789 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, nhưng thu từ các công ty tài chính phái sinh tiền tệ gần 42 tỷ đồng, giảm 58%.
Nhiều ngân hàng TMCP khác cũng có tăng trưởng lãi thuần kinh doanh ngoại hối trong quý I-2016 so với cùng kỳ. Cụ thể, ACB đạt 42,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi; SCB đạt gần 56 tỷ đồng, gấp 4 lần; Sacombank đạt 63,5 tỷ đồng, tăng 46%.
3 ngân hàng quốc doanh đang niêm yết cũng thu được kết quả tích cực. Chẳng hạn Vietcombank ghi nhận 564 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, tăng 19% so với quý I/2015. BIDV công bố đạt gần 90 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với con số 21 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. VietinBank cũng có mức lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối 221,5 tỷ đồng, tăng trưởng đột biến so với hơn 73 tỷ đồng của quý I-2015. Vietcombank, BIDV cũng như VietinBank đều không có thuyết minh rõ về chi tiết các doanh thu và chi phí của hoạt động này.
Nhờ ổn định tỷ giá?
Thông thường lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay, thu từ kinh doanh vàng, thu từ các hoạt động tài chính phái sinh sau khi trừ đi chi phí. Trong đó ở hầu hết các ngân hàng lãi từ hoạt động kinh doanh vàng đóng góp không đáng kể trong quý I/2016, kinh doanh vàng đã từng khiến nhiều ngân hàng chịu lỗ các năm 2012-2013.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay lại khá khởi sắc trong quý này. Theo cách hiểu phổ biến, đây là giao dịch mua bán ngoại tệ theo tỷ giá được xác định vào ngày giao dịch, việc thanh toán được thực hiện trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch. Một diễn biến khác là tỷ giá trong những tháng đầu năm 2016 khá ổn định. Tỷ giá trung tâm của NHNN có những phiên tăng mạnh nhưng có giảm và nhìn chung không có sự đột biến đáng kể.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học ngân hàng TPHCM, một số ngân hàngTMCP như ACB, Vietcombank từng ghi nhận lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối tích cực ở những năm trước, khi hoạt động giao dịch mua bán quốc tế và trong nước (giao dịch 2 chiều) được phép.
Còn thời gian gần đây, kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ một số mảng: Dịch vụ môi giới mua bán ngoại tệ (mua khách hàng có nhu cầu bán và bán ngay cho người mua để hưởng chênh lệch và giữ nguyên trạng thái ngoại tệ); có thể lấy từ nguồn USD huy động từ khách hàng rồi bán lại cho người mua; giao dịch ngoại tệ phái sinh. Đây thực chất là các hợp đồng forward, tức các hợp đồng kỳ hạn với khách hàng, đặc biệt là với khách hàng xuất nhập khẩu.
Trong trường hợp giao dịch phái sinh, thông thường hiện nay các ngân hàng ký với các doanh nghiệp cần lượng ngoại tệ trong vòng 3-6 tháng tới để nhập hàng đề phòng trường hợp USD lên giá. Khi đó để duy trì trạng thái ngoại tệ, các ngân hàng lập tức đi mua lại ngoại tệ trên thị trường quốc tế hoặc các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam bằng các hợp đồng kỳ hạn để bù đắp lượng ngoại tệ bán ra. Bằng cách này, ngân hàng sẽ được hưởng chênh lệch tỷ giá khi mua bán các sản phẩm phái sinh.
Một yếu tố nữa giúp việc kinh doanh ngoại hối khởi sắc là do chính sách lãi suất 0% và sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá liên ngân hàng góp phần giúp tỷ giá USD ổn định. Trong khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sợ tỷ giá tăng và có nhu cầu thực ngoại tệ nên buộc phải mua bảo hiểm rủi ro tỷ giá bằng cách mua các hợp đồng kỳ hạn từ ngân hàng.
Như vậy, tỷ giá ổn định trong thời gian qua cũng đã góp phần giúp các ngân hàng thu lợi từ hoạt động ngoại hối. Riêng hoạt động tự doanh sản phẩm phái sinh đóng góp rất lớn vào hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng.