Lãi suất cao kéo giảm quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Minh Lâm

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 sẽ tiếp tục bị thu hẹp do mặt bằng lãi suất cao, hạn chế nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp dẫn đến lượng phát hành mới thấp.

Hiện tại, quy mô toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm chưa tới 15% GDP, trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm khoảng 12% GDP, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và còn cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025 (tối thiểu đạt 20% GDP).

Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hiện chiếm khoảng 12% GDP. Nguồn VCBS
Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hiện chiếm khoảng 12% GDP. Nguồn VCBS

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ước tính 220.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm kết thúc quý IV/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn.

Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại tại ngành Bất động sản trong quý I/2023 đạt 18.300 tỷ đồng, cho thấy áp lực mua lại trước hạn vẫn hiện hữu.

Bất động sản và hàng tiêu dùng là 2 ngành đứng đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn: VBMA.
Bất động sản và hàng tiêu dùng là 2 ngành đứng đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn: VBMA.

Với diễn biến thị trường hiện nay, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, kịch bản nhà đầu tư chuyên nghiệp sớm quay trở lại thị trường còn nhiều trở ngại. Thị trường tiếp tục ở giai đoạn trầm lắng với thanh khoản thấp.

VCBS dự báo, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 sẽ tiếp tục bị thu hẹp do mặt bằng lãi suất cao, hạn chế nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp dẫn đến lượng phát hành mới thấp. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 4/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Trong khi đó, hoạt động mua lại trước hạn cũng có sự chững lại, với hơn 4.833,1 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại trước hạn trong tháng 4, tổng giá trị mua lại trước hạn trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 39.388 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022).

Tổng giá trị trái phiếu đến hạn còn lại trong tháng 04/2023 là gần 6.400 tỷ đồng. Ngân hàng và Bất động sản là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 2.500 tỷ đồng và hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 39% và 31% giá trị đến hạn.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận đạt gần 29.000 tỷ đồng, với 6 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 3.500 tỷ đồng và 14 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 25.500 tỷ đồng. Khối lượng phát hành chỉ khởi sắc từ tháng 3 sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Một lượng lớn trái phiếu đã được đàm phán gia hạn thành công.

Tuy nhiên, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn vẫn gia tăng, khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX tiếp tục tăng lên khoảng 57 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu vẫn tăng. Nguồn: VCBS
Số doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu vẫn tăng. Nguồn: VCBS

Công ty chứng khoán VNDirect ước tính, trong tháng 5 sẽ có khoảng 14.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đáo hạn, tăng 12,6% so với tháng 4 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn).

Hiện, các cơ quan quản lý đã và đang tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn với thị trường. Sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành, cũng đã mang tới giải pháp ngắn hạn về việc cho phép thay đổi điều khoản trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.