Lãi suất có kìm hãm sự phát triển của vay tiêu dùng?
Lãi suất là một vấn đề gây ra nhiều lo ngại đối với hoạt động cho vay tiêu dùng song không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này.
“Lãi suất cao là đương nhiên”
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn là điều đương nhiên bởi đối tượng khách hàng của các khoản vay tiêu dùng là cá nhân.
Bên cạnh đó, quy mô vay tiêu dùng thường nhỏ, phù hợp với giá cả của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, kỳ hạn khoản vay lại chỉ trong ngắn hạn và trung hạn. Phần lớn các khoản vay tiêu dùng được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp và không có tài sản đảm bảo, thường được thực hiện bởi các công ty tài chính.
Cũng theo bà Thanh, các công ty này lại không có chức năng huy động vốn từ dân cư như hệ thống ngân hàng; đối tượng khách hàng của các khoản vay tiêu dùng thường là những người nghèo, người thu nhập thấp, dưới chuẩn duyệt vay của các ngân hàng thương mại.
“Các yếu tố trên đã tác động rất lớn đến quá trình hình thành và chi phí hình thành các khoản vay, từ đó, làm cho lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại”, bà Thanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho biết, việc lãi suất thấp hay cao không có sự khác biệt theo góc độ tổ chức tín dụng mà thực chất là theo mức độ rủi ro của việc thu hồi vốn và đây mới chính là bản chất kinh tế của thị trường vốn.
Theo ông Hiển, ngân hàng thương mại luôn có lãi suất tốt nhất trong các hoạt động cho vay nhưng họ cũng đòi hỏi chỉ tiêu chặt chẽ về khả năng trả nợ như đòi hỏi khách hàng phải có tài sản thế chấp hoặc chứng minh được phương án trả nợ và mức thu nhập an toàn. Trong khi, các công ty tài chính có mức độ yêu cầu cho vay thoáng hơn so với hệ thống ngân hàng thương mại và bù lại họ buộc phải định ra mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro.
“Chúng ta cũng cần biết rằng, ngay cả các nước đang phát triển như Đức, Mỹ thì các khoản cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cũng có mức cao từ 0,5 đến 3 lần so với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng. Ví dụ, mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại ở Đức có thế chấp chỉ ở khoảng 2-6% /năm nhưng mức cho vay tín dụng tiêu dùng thì lại lên đến 9% /năm”, ông Hiển dẫn chứng.
Không thể “kìm hãm” sự phát triển của vay tiêu dùng
Thừa nhận việc lãi suất cao là một vấn đề gây ra nhiều lo ngại đối với hoạt động cho vay tiêu dùng song trước câu hỏi “lãi suất cao có kìm hãm sự phát triển của vay tiêu dùng”, bà Thanh khẳng định, không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này bởi những lợi ích mà dịch vụ cho vay tiêu dùng đem lại cho đời sống người dân và xã hội.
Bà Thanh chỉ ra, dịch vụ cho vay tiêu dùng nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân đặc biệt là những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng - đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn, thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay, do không chứng minh được khả năng trả nợ và không có tài sản thế chấp. Đồng thời, giúp cho các kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập. Do vậy, cho vay tiêu dùng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng trong xã hội.
Cũng theo bà Thanh, dịch vụ cho vay tiêu dùng sẽ góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Nghĩa là, dịch vụ sẽ giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác ngoài vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Ngoài ra, dịch vụ cho vay tiêu dùng còn góp phần làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay.
“Cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia”, bà Thanh phân tích thêm.
Ngoài rào cản về lãi suất, một số ý kiến cho biết, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ cho vay tiêu dùng còn do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam và nền kinh tế chưa đủ mạnh để vay tiêu dùng bứt phá.
Phản hồi về quan điểm này, TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, rào cản về ý thức, thói quen mua sắm sẽ dần được thay đổi theo thời gian nhưng rào cản về kinh thế là vấn đề lớn.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận, mặc dù kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Đó là điều kiện nền tảng quan trọng cho sự phát triển các dịch vụ tín dụng tiêu dùng”, ông Ngân nói.
Dẫn số liệu được công bố bởi Viện Chiến lược Ngân hàng từng công bố cho thấy, tính bình quân 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/ năm, ông đưa ra dự báo vay tiêu dùng tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.