Xác định nhu cầu thực để vay tiêu dùng đúng cách

PV.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trước khi quyết định vay tiêu dùng, người tiêu dùng cần lưu ý 3 điểm, đó là: Xác định nhu cầu thực, khả năng trả nợ và nghiên cứu kỹ hợp đồng.

Vay dễ, trả khó!

Hiện nay, hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, điện thoại, các hệ thống bán xe máy… đều lên kế hoạch liên kết và phối hợp với công ty tài chính để triển khai dịch vụ cho vay trả góp. Hoạt động tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận với các gói vay của các công ty tài chính thời gian qua được đánh giá là đã có nhiều chuyển biến thông qua đa dạng phương thức thể hiện như: truyền đạt và giải thích cặn kẽ từng điều khoản trong hợp đồng đến khách hàng. Đặc biệt, với hồ sơ, thủ tục cho vay rất đơn giản, chỉ cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe, khách hàng có thể dễ dàng được vay khoản tiền dưới 20 triệu đồng trong thời gian từ 12-36 tháng. Rất nhiều khách hàng đã được duyệt vay vốn và giải ngân ngay trong ngày. Như vậy, thủ tục càng đơn giản thì rủi ro đi kèm sẽ rất lớn và dĩ nhiên lãi suất cũng phải cao.

Cách đây không lâu, chị Hà An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) quyết định vay mua trả góp chiếc Macbook 11 inch tại một hệ thống bán lẻ máy tính xách tay với giá hơn 20 triệu đồng. Chị cho biết, sau khi tìm hiểu và nghe nhân viên của công ty tài chính liên kết với hệ thống bán lẻ này tư vấn, chị đã dễ dàng tiếp cận được khoản vay tín chấp chỉ trong vòng một buổi sáng, với thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn. “Khoản vay quá nhỏ, nếu vay ngân hàng thì phải mất thời gian đến làm thủ tục nên tôi đã chọn hình thức trả góp ngay tại cửa hàng mua máy tính. Thủ tục khá rõ ràng, đơn giản, phê duyệt nhanh chóng và không gây bất lợi gì cho phía người tiêu dùng”, chị Hà An cho biết.

Tuy nhiên, hiện còn không ít người tiêu dùng vẫn tỏ ra bất ngờ trước việc phải nộp phí phạt trả nợ trước hạn hoặc thắc mắc trước mức lãi suất luôn ở mức cao của dịch vụ cho vay này. Thậm chí, có khách hàng còn ngưng thanh toán giữa chừng và chấp nhận nộp phạt để chờ xử lý khiếu nại, khi cho rằng các điều khoản trong hợp đồng đã dẫn đến việc người tiêu dùng phải trả tiền cao vô lý.

“Cần lưu ý rằng khách hàng muốn tất toán trước hạn phải trả tiền gốc còn lại, phí trả nợ trước hạn và khoản trả hàng tháng tại kỳ thanh toán mà người vay yêu cầu tất toán. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc trong việc có nên tất toán trước hạn hay không để tránh bị thiệt thòi. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích, tính toán xem hình thức nào có lợi hơn trước khi quyết định lựa chọn”, đại diện một công ty tài chính cho biết.

Cần suy xét lại năng lực tài chính của bản thân

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trước khi quyết định vay tiêu dùng, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý ở 3 điểm, đó là: Xác định nhu cầu thực, khả năng trả nợ và nghiên cứu kỹ hợp đồng. Theo đó, xác định nhu cầu thực có nghĩa là không chạy theo phong trào, chỉ mua sắm những vật dụng, trang thiết bị cần thiết cho nhu cầu của bản thân để tránh lâm vào nợ nần.

Về khả năng trả nợ, theo ông Phong, trong bối cảnh công việc chưa ổn định hoặc không có nguồn trợ cấp tốt thì người tiêu dùng cần rất thận trọng khi đặt bút ký vay vốn tiêu dùng. Còn đối với hợp đồng, người tiêu dùng phải thực sự tìm hiểu rõ ràng về mức lãi suất, cách thức trả nợ, cũng như điều kiện tất toán trước hạn để tránh bị bất ngờ khi các tình huống xảy ra ngoài dự kiến.

“Tài chính tiêu dùng là một hình thức cực kỳ phổ biến ở nước ngoài và nó được thừa nhận là rất tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong bối cảnh nước ta, người lao động nếu bất ngờ bị mất việc thì khả năng tìm được việc làm mới là rất khó. Trong trường hợp không tìm được việc, người lao động chắc chắn sẽ lâm vào thế khó khăn, không trả được nợ. Còn ở nước ngoài, ngay cả khi không tìm được việc, người lao động vẫn được trợ cấp xã hội để đủ sống và có khả năng thanh toán chi phí nợ được một phần. Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức cân nhắc khi quyết định vay tín dụng tiêu dùng”, vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Từ thực tế hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay, ông Godfrey Swain, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ thuộc Ngân hàng Quốc tế VIB, cho biết, thực tế lãi suất không còn là rào cản lớn đối với khách hàng mà điều quan trọng khách hàng cần lưu ý là làm sao có thể lựa chọn được gói vay phù hợp với nhu cầu tài chính của mình, xác định được thời gian vay phù hợp cũng như xem xét tính linh hoạt của khoản vay hay cách tính lãi phạt khi trả nợ trước hạn.

Cũng theo giới chuyên gia, trước khi vay tiêu dùng, khách hàng cần phải tự đánh giá được khả năng và tiềm lực của mình, trao đổi đầy đủ thông tin với nhân viên tư vấn của tổ chức tín dụng để có được một kế hoạch vay và trả nợ phù hợp, an toàn. Với những khoản vay nhỏ, việc trả nợ hàng tháng tương đối nhẹ nhàng, do đó, khách hàng cần chủ động tính tổng số tiền mình phải trả cho món hàng, so với số tiền gốc sẽ thấy lãi suất cao và cân nhắc có nên vay hay không?