Vay tiêu dùng – Các bên cùng có lợi?

PV.

Vay tiêu dùng không những mang lại lợi ích cho riêng người tiêu dùng mà nó còn là công cụ đắc lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các công ty tài chính phát triển.

Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức. Đối với những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng, hoạt động cho vay tiêu dùng đã nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính và giúp cho kế hoạch tiêu dùng của nhóm người này diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập.

Anh Trần Văn Nam (Hà Nội) đang tìm hiểu dịch vụ vay tiêu dùng mua hàng trả góp ở một siêu thị điện máy của Công ty Trần Anh cho biết, chỉ những người có thu nhập cao họ mới có thể thanh toán trực tiếp toàn bộ giá trị sản phẩm. Còn với những người có thu nhập thấp, thì phải sử dụng hình thức mua trả góp. “Tôi đang cân nhắc nếu phí trả góp thấp và phù hợp với thu nhập của mình thì sẽ mua theo hình thức trả góp”, anh Nam nói.

Hiện thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là từ các công ty tài chính tiêu dùng. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế “tín dụng đen” và mở ra cơ hội cho nhiều người dân được tiếp cận tớinguồn vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng cũng cho thấy, hoạt động này còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Cho vay tiêu dùng cũng là một công cụ quan trọng kích thích tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Đại diện một công ty tài chính cho biết, theo con số của ngành Tòa án, các vụ kiện, tranh chấp liên quan đến “tín dụng đen” đã giảm rõ rệt so với những năm trước. Có thể nói, một cách gián tiếp, chính các công ty tài chính tiêu dùng với hệ thống mạng lưới trên toàn quốc đã góp phần lớn giúp người dân tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn; từng bước đẩy lùi được nạn cho vay nặng lãi trên thị trường chợ đen.

Theo các chuyên gia kinh tế, với sự phát triển mạnh mẽ dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính như hiện nay, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Cho vay tiêu dùng giúp người dân kết hợp nhu cầu hiện tại với khả năng thanh toán trong tương lai. Mặt khác, sự ra đời của hình thức này đã kích thích sức mua của người dân, đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và buộc nhà sản xuất phải đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Ông Lê Việt Chung, phụ trách Marketing Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anhchia sẻ: “Vay tiêu dùng cá nhân và mua hàng trả góp tuy chỉ mới phát triển ở thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nhưng trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển hình thức này đã khá phổ biến, được người tiêu dùng và nhà sản xuất đón nhận.

Đối với các nhà sản xuất, nhà phân phối, họ có thể tận dụng lượng khách hàng tại chỗ để bán hàng, góp phần tăng doanh số. Không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, các hình thức vay tiêu dùng trả góp đối với bất động sản cũng có lợi cho khách hàng; đặc biệt, với những khách hàng không có đủ năng lực tài chính ở thời điểm mua hàng, khách hàng có thể mua trả góp và chi trả trong thời gian sau này”.

Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là các Công ty tài chính. Thực tế, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống tổ chức tín dụng ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đánh giá về thị trường cho vay tiêu dùng, giới chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thời điểm này cũng như trong tương lai, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển mạnh bởi mở rộng của các công ty tài chính.

Theo đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ, các sản phẩm tín dụng lãi suất thấp hơn thông qua việc kết hợp tiêu thụ sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh với các nhà sản xuất tung ra thị trường cũng sẽ phong phú hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dân. Đặc biệt là người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Phó trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho rằng, thị trường cho vay tiêu dùng đã có sự tham gia nhiều hơn của các chủ thể cho vay.

Trước đây chỉ có các ngân hàng thương mại là chủ yếu với tiềm lực mạnh và ưu tiên chính sách, gần đây, với sự hiện diện của các công ty tài chính, thị trường cho vay tiêu dùng đã sôi động hơn. Đây là yếu tố tương đối phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, mở rộng một số loại hình tài chính ngân hàng cho cả đối tác bên ngoài. Sự tham gia của các công ty tài chính đã góp phần làm đa dạng hơn cả chủ thể cho vay và hoạt động cho vay trên thị trường.