Lãi suất giảm trên liên ngân hàng, tăng kỳ vọng giảm lãi suất trên thị trường
Diễn biến lạm phát và tỷ giá trong tháng 7 cũng ủng hộ khả năng giảm lãi suất.
Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 35 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở nhưng thanh khoản ổn định cùng với giao dịch mua vào ngoại tệ đã hỗ trợ nguồn cung VND.
Lãi suất trên liên ngân hàng liên tục sụt giảm từ mức 4,01%/năm cuối tháng 6 về sát mức 3%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và rơi xuống dưới mức này sau khi NHNN giảm 0,25%/năm với lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày xuống còn 2,75%/năm vào ngày 19/7/2019.
Lãi suất huy động ổn định ở mức 4,1% - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5 - 7,55%/năm với kỳ hạn 6- dưới 12 tháng, 6,4 - 7,9%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng ngoại trừ một vài điều chỉnh trái chiều ở số ít ngân hàng.
Diễn biến lạm phát và tỷ giá trong tháng 7 cũng ủng hộ khả năng giảm lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 1,59% so với cuối năm 2018, thấp hơn so với cùng kỳ là 2,13%.
Thực tế vào ngày 1/8, nhiều đã công bố giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm với đối tượng ưu tiên. Cùng với việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng trước đó, các ngân hàng này được thị trường kỳ vọng sẽ tiên phong cho một đợt giảm lãi suất diện rộng để hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, diễn biến bất thường từ bên ngoài mang áp lực tỷ giá quay trở lại, cùng với đó là tăng trưởng chậm chạp của mảng tiền gửi khiến cho kỳ vọng này khó hiện thực hóa hơn.
Theo NHNN, tỷ trọng tín dụng/huy động của toàn hệ thống 5 tháng đầu năm 2019 dao động ở mức 89-90,
3%, cao hơn mức bình quân 88% của năm 2018. Còn căn cứ theo BCTC bán niên của các ngân hàng thương mại (ngoại trừ VPB, STB và 3 ngân hàng rất nhỏ khác có mức tăng trưởng tiền gửi khá tốt), 13 NHTM niêm yết còn lại đều có tăng trưởng tiền gửi thấp hơn cho vay.
Tính bình quân cả 18 ngân hàng thương mại đang niêm yết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tiền gửi khách hàng chỉ tăng trưởng 7,4% theo tháng trong khi cho vay khách hàng tăng 8,2% theo tháng.
Theo Bộ phận phân tích SSI Retail Research, tiếp tục trong tuần 5 - 9/8, NHNN thu hẹp quy mô phát hành tín phiếu với việc bơm ròng 11.000 tỷ đòng qua kênh này.
Lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống còn 39.000 tỷ đồng.
Kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) không phát sinh giao dịch, lương lưu hành duy trì ở mức 0. Lãi suất trên liên ngân hàng tăng 8-9 điểm cơ bản lên 3,08%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,2%/năm với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức 0,7%/năm.
Lãi suất huy động thị trường 1 ổn định ở 4,1% - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5 - 7,55%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 6,4 - 8%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng. Cá biệt, một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ áp dụng lãi suất 8-8,2%/năm với kỳ hạn từ 9 đến 13 tháng, có điều chỉnh tăng so với giai đoạn trước từ 10-20 điểm cơ bản.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến cho xác suất Fed giảm lãi suất vào kỳ họp tháng 9 trở lại mức 100%, trong đó phần lớn cho rằng cắt giảm tiếp theo là 25 điểm cơ bản. Tuy vậy, thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ còn cắt giảm vào 2 kỳ họp sau đó, lãi suất cơ bản kỳ vọng thấp nhất cho cuối năm 2019 là 1 - 1,25%/năm tức là giảm tổng cộng 1,25%/năm trong cả năm 2019.
Nới lỏng tiền tệ đang có xu hướng lan rộng khi chỉ từ đầu tháng 8 đến nay có 12 ngân hàng trung ương các nước, vùng lãnh thổ có điều chỉnh lãi suất và tất cả đều giảm từ 15 - 50 điểm cơ bản trong đó có Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand, Hong Kong.