Hạ lãi suất không nên hiểu là Việt Nam nới lỏng tiền tệ
Thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận sự biến động mạnh trong tháng 7 vừa qua. Để ứng phó, nhiều quốc gia mới nổi đã nới lỏng tiền tệ và tại Việt Nam, lãi suất cũng điều chỉnh giảm ở kỳ hạn ngắn. Tuy vậy, theo giới phân tích, điều đó chưa đồng nghĩa với việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bàn đạp nào để hạ lãi suất?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, ngay trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất ngày 31/7, một số ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã tiến hành nới lỏng tiền tệ.
Trong số các yếu tố tác động, ông Khoa cho biết, sự chuyển dịch chính sách tiền tệ theo hướng ôn hòa hơn trên toàn cầu và các chính sách nới lỏng ở các thị trường mới nổi đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể lợi suất trái phiếu chính phủ đồng nội tệ trả lãi cao tại một số thị trường trong 2 tháng qua. Đơn cử, trái phiếu 10 năm của Brazil giảm 155 điểm cơ bản (bps), Nga giảm 70 điểm, Indonesia giảm 70 điểm và Ấn Độ giảm 60 điểm.
“Mặc dù đà suy giảm đã diễn ra trên diện rộng, nhưng khả năng nới lỏng chính sách ở các thị trường mới nổi có thể vẫn diễn ra. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa tạm ngưng hoạt động trên thị trường mở thông qua giao dịch mua bán lại (reverse repo) với lý do thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã ở mức hợp lý”, ông Khoa nói.
Tại Việt Nam, theo ông Khoa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang điều hành tốt cả lãi suất và tỷ giá hối đoái trên cơ sở ôn hòa hơn theo những diễn biến về chính sách nới lỏng của Fed. Cụ thể, NHNN đã giảm 25 điểm cơ bản lãi suất tín phiếu ngắn hạn (lãi suất tín phiếu 7 ngày ở mức 2,75%/năm), trong khi mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng ở mức thấp hơn. Lãi suất tín phiếu là biến số chính sách với 2 đặc điểm chính, ít biến động và mang tính định hướng của nhà điều hành. Điều này dẫn đến những thay đổi theo chiều hướng đi xuống của lãi suất liên ngân hàng qua đêm và lợi tức trái phiếu chính phủ.
Theo đó, trong phiên giao dịch 19/7, NHNN đã hút ròng 10.000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,75%/năm, thấp hơn mức 3%/năm trước đó. Cùng với lãi suất mua/bán kỳ hạn 7 ngày, 2 mức lãi suất trên tạo thành vùng biên độ dao động cho lãi suất liên ngân hàng qua đêm. Với động thái giảm lãi suất tín phiếu vừa qua, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã lập tức giảm từ mức trung bình 3% trong tuần trước đó.
Thực tế, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã liên tục tăng trong năm 2018 và duy trì quanh mức trung bình 3,76%/năm tính từ đầu năm 2019. Cùng với đó, thanh khoản trên thị trường này cũng tăng mạnh từ mức 27.000 tỷ đồng/phiên lên 54.000 tỷ đồng/phiên trong 9 tháng qua. Điều này cho thấy, nhu cầu bù đắp thanh khoản qua đêm giữa các ngân hàng trong hệ thống rất cao. Nỗ lực hạ lãi suất vay mượn qua đêm sẽ giúp các ngân hàng có nhu cầu bù đắp thanh khoản tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.
Bên cạnh lãi suất liên ngân hàng qua đêm, lợi tức trái phiếu chính phủ cũng phản ứng nhanh sau quyết định giảm lãi suất ngắn hạn của NHNN. Trên thị trường phát hành sơ cấp, lợi tức trúng thầu giảm mạnh nhất ở các kỳ hạn dài, điển hình như 30 ngày giảm 26 điểm cơ bản, 20 ngày giảm 36,5 điểm, 15 ngày giảm 24,3 điểm và 10 ngày giảm 13,5 điểm. Khối lượng phát hành thành công đạt 32.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức trung bình tháng trong quý II/2019. Tương tự, đa phần lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn trên thị trường thứ cấp đều giảm mạnh, trung bình 35 điểm cơ bản.
“Vào ngày 1/8, một vài ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực chủ chốt nhằm kích thích tăng trưởng, trong khi lạm phát trong nước vẫn duy trì ở mức thấp”, ông Khoa chia sẻ. Được biết, mức lãi suất này sẽ giảm 0,5%/năm xuống 5,5%/năm. Trong 24 tháng qua, đây là lần thứ 3 các ngân hàng thông báo giảm lãi suất, từ 7%/năm vào tháng 7/2017 xuống 5,5%/năm vào tháng 8/2019.
Lãi suất dài hạn chưa hạ, tại sao nới lỏng chính sách tiền tệ?
Ông Khoa phân tích, việc Fed cắt giảm lãi suất và căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung tạm ngừng leo thang trong quý II/2019 đã giúp các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam mạnh hơn. Kỳ vọng rằng, Fed và các ngân hàng trung ương khác, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu, sẽ sớm tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ đã hỗ trợ đà tăng tỷ giá ở các thị trường mới nổi gần đây, thông qua việc tăng sức ép lên USD, EUR và đẩy dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi.
VND đã mạnh hơn và gần như xóa nhòa đà trượt giảm trong quý II/2019, kéo tỷ giá USD-VND giảm gần hơn về ngưỡng 23.200 đồng/USD tính đến hết tháng 7. NHNN đã có thể tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo cơ sở tiềm lực để chủ động ứng phó với những bất ổn trên thị trường.
“Tuy nhiên, phía trước vẫn có nhiều rủi ro. Còn nhiều yếu tố gây biến động trong tương lai gần, chẳng hạn chiến tranh thương mại leo thang trở lại, cũng như khả năng Fed có những thay đổi trong chính sách tiền tệ của mình...”, ông Khoa nói.
Một báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, những thay đổi lãi suất ngắn hạn của các ngân hàng trong nước chưa đồng nghĩa với việc nới lỏng chính sách tiền tệ (đo lường bởi giảm lãi suất điều hành hoặc tăng cung tiền) do 2 yếu tố, cơ chế điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam và tín hiệu từ NHNN. Cụ thể, biến động lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 không có tương quan rõ nét.
Tại Việt Nam, cơ bản hình thành 2 cơ chế lãi suất khá độc lập. Lãi suất huy động/cho vay trên thị trường 1 chịu ảnh hưởng bởi các mức lãi suất điều hành (tái cấp vốn, tái chiết khấu), trong khi lãi suất trên thị trường 2 và thị trường trái phiếu bị điều phối bởi yếu tố cung - cầu thanh khoản giữa các ngân hàng nhiều hơn. NHNN có thể tác động vào lãi suất trên thị trường 2 thông qua nghiệp vụ thị trường mở và đối thoại (NHNN sẽ định hướng bằng lời nói đối với thị trường - PV).
VDSC cho rằng, 2 mục tiêu của NHNN gồm: Thứ nhất, chuyển đổi mô hình điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn với cơ chế lan truyền từ lãi suất điều hành ngắn hạn tới lãi suất vay/mượn dài hạn trên thị trường 1; thứ hai, duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khu vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thuộc lĩnh vực ưu tiên.
“Tuy vậy, những yếu tố căn cơ gắn với quá trình tự do hóa lãi suất và cơ chế điều hành chính sách tiền tệ mới như khả năng độc lập của NHNN, minh bạch chính sách, cơ chế điều hành tỷ giá, tài khoản vốn... vẫn là những câu đố khó giải để đạt mục tiêu trên. Bên cạnh đó, mức độ phát triển thấp của thị trường tài chính khi chưa có mức lãi suất cho vay cơ bản (LPR), lãi suất cho vay khách hàng tốt nhất trên hệ thống ngân hàng và các sản phẩm phái sinh gắn với lãi suất đó cũng kìm hãm quá trình chuyển đổi”, VDSC nhận định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, việc giảm lãi suất điều hành ngắn hạn chỉ góp phần định hướng giảm lãi suất ngắn hạn cho khu vực doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên và chưa thể tác động tới lãi suất cho vay dài hạn.
Quá trình cơ cấu hệ thống ngân hàng đạt được những thành tích nổi bật với 9 ngân hàng hoàn thành Basel II, các chỉ số an toàn thanh khoản đều nằm trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn khá nhạy cảm và NHNN đang rất cẩn trọng nhằm hoàn tất quá trình nâng cao năng lực hệ thống thay cho việc mạnh tay giảm lãi suất điều hành dài hạn do yếu tố rủi ro lạm phát giá tài sản, đặc biệt thị trường bất động sản, có thể gia tăng trở lại.
“Bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn còn điểm bất ổn, bao gồm cả căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhu cầu toàn cầu đang giảm tốc. Như vậy, mặc dù việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các cơ quan quản lý điều chỉnh chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để dẫn dắt kinh tế vĩ mô, nhưng việc sử dụng công cụ chính sách vẫn cần thận trọng hơn trong trung và dài hạn để cân bằng ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững”, ông Khoa nhấn mạnh.