Lãi suất hạ tiếp, vốn vẫn khó chảy vào nền kinh tế

Hà An

(Tài chính) Nhấn mạnh điều đó TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, bài toán không chỉ riêng lãi suất, quan trọng là cần làm sao giúp doanh nghiệp giải phóng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, qua đó góp phần phục hồi nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Lãi suất không phải là câu trả lời

Trả lời cho câu hỏi vì sao đến nay dòng tín dụng vẫn chưa chạy được vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh? TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lời giải cho bài toán không phải hạ tiếp lãi suất. Vấn đề bây giờ vẫn là nằm ở chính nền kinh tế! Lãi suất không thể hạ sâu nữa, bởi nếu lạm phát vẫn ở mức 6% thì huy động vốn phải là 8%, biên độ phải chênh 2% thì người gửi tiền mới có lợi và chấp nhận gửi tiền vào ngân hàng. Còn tính theo lãi suất đầu ra, ngoài 8% lãi suất huy động, cộng thêm 3% chi phí thì cho vay ra phải ở mức 11% mới là khả quan cho ngành ngân hàng. Hiện nay, mức lãi suất vẫn trên 10% là mức mà các ngân hàng chịu đựng được. Tuy nhiên, đấy là từ góc độ ngân hàng, còn từ góc độ doanh nghiệp, thì mức lãi suất đó lại quá “chát”!

Thực vậy, câu chuyện các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nguyên nhân không còn nằm ở lãi suất nữa mà còn do nhiều yếu tố khác, yếu tố nổi bật nhất là do hàng tồn kho quá lớn! Đối với doanh nghiệp khỏe, vì hàng tồn kho cao, sức cầu của nền kinh tế nên không mặn mà vay. Bài toán khiến những doanh nghiệp này đau đầu để giải quyết hiện nay là làm sao đẩy hàng tồn, đưa hàng hóa vào trong lưu thông. Còn đối với doanh nghiệp yếu thì không thể vay nổi do không đủ điều kiện, chưa kể lãi suất quá cao, không chịu được “nhiệt”.

“Lãi suất có hạ nữa vốn tín dụng vẫn khó chảy vào nền kinh tế. Chính vì vậy, Lời giải cho bài toán khơi thông vốn tín dụng không phải ở lãi suất, vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lộ trình từ giờ đến hết năm, mặt bằng lãi suất sẽ giảm hơn nữa để cả năm 2014 có thể giảm từ 1,5%-2% mặt bằng lãi suất cho vay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Tăng cường hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần giải phóng tồn kho khi đó mới thúc đẩy được sản xuất kinh doanh. Để làm được điều này, Chính phủ cần phải vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với những những doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng đang bị tổn thương mạnh nhất do khủng hoảng.

Quan trọng hơn, cần tăng cường hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện nay, Quỹ này đang hoạt động cầm chừng, vốn điều lệ thấp, quy trình nộp hồ sơ xét duyệt khó khăn, không hiệu quả. Để nó hoạt động, Chính phủ phải bỏ tiền ra, chấp nhận rủi ro, chấp nhận sẽ mất một lượng vốn nào đó để bảo lãnh cho doanh nghiệp. Thực ra, ngay cả một nước phát triển như ở Mỹ, quỹ SBA (cơ quan hành chính của doanh nghiệp nhỏ) cũng được Chính phủ Mỹ bơm tiền vào để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Việt Nam cũng nên học theo mô hình này: Quỹ bảo lãnh phải thực sự bằng tài chính, “tiền tươi thóc thật”, chứ không phải chỉ mỗi uy tín, sẽ không hiệu quả! Ngoài ra, chính sách về đầu tư công của cũng phải được ưu tiên đẩy mạnh trong thời điểm này nhằm kích cầu tiêu dùng. Đầu tư công sẽ trực tiếp tiêu thụ các sản phẩm nguyên vật liệu tồn kho của ngành xây dựng như sắt thép, xi măng….

Thực tế, một nền kinh tế khủng hoảng, bất động sản luôn đi đầu và ngược lại. Bởi vậy, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản sẽ giải quyết vấn đề của nền kinh tế. Về hai gói tín dụng bất động sản, mục đích và cách thức hoàn toàn khác nhau. Về vốn, gói 30 nghìn tỷ đồng được tái cấp vốn từ NHNN, còn gói 50 nghìn tỷ đồng là tiền của chính các ngân hàng thương mại. Nếu thực hiện tốt, gói 50 nghìn tỷ đồng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề của ngành xây dựng, giải quyết được tồn kho, xây dựng cơ bản và lan tỏa ra nền kinh tế.