"Lãi suất sẽ sớm hạ nhiệt"
Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng bắt đầu giảm, SSI kỳ vọng diễn biến lãi suất trên thị trường dân cư sẽ sớm hạ nhiệt. Dù vậy, đơn vị này cũng dự báo, từ nay tới cuối năm 2022 lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 0,2-0,25% ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước.
Tại báo cáo thị trường tiền tệ tuần 14-18/2, SSI Research nhận định lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ bắt đầu nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát tăng dần.
Theo đó, lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng 0,2-0,25% đối với nhóm NHTM Nhà nước.
SSI cho rằng, trong thời gian qua, biểu lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng, đặc biệt dành cho khối khách hàng cá nhân nhằm thu hút lượng tiền gửi dư thừa, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với huy động tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh của các NHTM.
Trong tuần trước, thanh khoản hệ thống phần nào được cải thiện khi hoạt động thị trường mở (OMO) được sử dụng với tần suất và khối lượng ít hơn so với các tuần trước đó.
NHNN bơm 522 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần chỉ là 1.100 tỷ đồng và lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO duy trì ở mức cao, 14.900 tỷ đồng, chủ yếu đáo hạn vào tuần này. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt phần nào, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó.
Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 2,71% (giảm 0,15%) và kỳ hạn 1 tuần 2,82% (giảm 0,11%). Lãi suất các kỳ hạn dài trên 2 tuần ghi nhận thấp hơn (2 tuần 2,81%, 1 tháng 2,6% và 3 tháng là 2,82%). SSI kỳ vọng diễn biến lãi suất thị trường 2 sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, rủi ro lớn nhất với diễn biến lãi suất năm 2022 là lạm phát và giá dầu, đặc biệt là biến số giá dầu leo thang trước diễn biến căng thẳng địa chính trị của Ukraine.
Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc chiến lược SGI Capital cho rằng áp lực lạm phát của Việt Nam trong 2022 khó có sự đột biến, do cung tiền và tín dụng được chủ động kiểm soát, trong bối cảnh tiêu dùng và đầu tư thấp.
Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang ở vùng có nền cao của 2021, rất khó khả năng tăng tốc trong các tháng tiếp theo của 2022.
Rủi ro ngắn hạn trong 1-3 tháng với lạm phát và lãi suất của Việt Nam có thể do vấn đề giá xăng dầu, ảnh hưởng từ yếu tố địa chính trị, tạo ra các dao động mạnh.
"Nếu giá dầu thế giới leo cao đủ lâu có thể ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam giống thời kỳ 2013, khi giá dầu dao động quanh mức 100 - 120 USD", ông Thành nói.
Theo đó, ông Thành dự báo lạm phát Việt Nam trong 2022 có thể sẽ duy trì được ở mức dưới 4%, trừ khi giá dầu leo rất cao trong một thời gian đủ dài.
Về cơ bản, Giám đốc chiến lược SGI Capital cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam còn dư địa để kiểm soát cả tín dụng và lãi suất.
Hầu hết các ý kiến chuyên gia cũng tin rằng, tuy mặt bằng lãi suất trong năm nay có thể chịu áp lực nhiều hơn nhưng mức tăng sẽ không quá lớn khi cơ quan quản lý buộc phải có những chính sách, công cụ giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ lộ trình phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, bất cứ diễn biến tăng sốc nào của mặt bằng lãi suất nếu có cũng chỉ sẽ mang tính chất thời điểm, còn về dài hạn kỳ vọng vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát của nhà điều hành, nhất là khi việc giảm lãi suất cho vay tiếp tục được đặt ra như là mục tiêu quan trọng trong năm nay của Chính phủ và NHNN.