Lâm Đồng: Sơ kết 3 năm thực hiện tái canh cà phê
Ngày 25/11/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch tái canh cà phê cho biết, sau ba năm triển khai, Lâm Đồng đã thực hiện trồng mới tái canh và ghép cải tạo hơn 24.703,1 ha cà phê, đạt 107,91% kế hoạch. Trong đó trồng mới 859 ha, trồng tái canh 10.936,3 ha, ghép cải tạo 12.907,8 ha.
Về nguồn vốn vay Chi nhánh Agribank Lâm Đồng và Agribank chi nhánh Nam Lâm Đồng để đầu tư tái canh được tổng diện tích 7.610 ha; các chương trình, dự án hỗ trợ cây giống trồng tái canh và ghép cải tạo 6.391,80 ha... Trong công tác đào tạo tập huấn, đã tổ chức gần 388 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật tái canh cà phê cho 17.526 lượt nông dân tham gia.
Kết quả nhiều vườn cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp đã được trẻ hóa, tăng năng suất vượt trội từ 2,6 - 2,8 tấn/ha (trước khi tái canh) lên đến 7 - 8 tấn/ha sau khi tái canh bằng các dòng cà phê Robusta như TR4, TR9, TR11,TS1…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện tái canh cà phê trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Chưa sử dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật (cây che bóng, hệ thống tưới tiết kiệm…) theo tiêu chuẩn vườn tái canh kiểu mẫu; Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, do đó chưa làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện triển khai chương trình tái canh và tiếp cận nguồn vốn vay…
Để thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê trong thời gian tới, đồng chí Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Cần có các biện pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian qua đồng thời thống nhất mục tiêu đến năm 2020, Lâm Đồng thực hiện tái canh cà phê hơn 38.000 ha, năng suất phấn đấu đạt từ 3,4 – 3,5 tấn/ha; đẩy mạnh phát triển cà phê chè tại Lâm Đồng như Moka; lồng ghép tái canh cà phê và trồng cây che bóng nhằm tăng giá trị sử dụng đất; chú trọng làm hồ, ao nhỏ phục vụ tưới nước tiết kiệm...
Để thực hiện được các mục tiêu trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục triển khai như: chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình; nghiên cứu chọn tạo, chọn lọc giống mới năng suất cao; ưu tiên hỗ trợ đầu tư trong vùng quy hoạch mở rộng diện tích cà phê được cấp chứng chỉ UTZ, 4C...