Làm gì để giảm nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Thu Hà

Thời gian qua, mặc dù cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp để tăng thu, giảm nợ đóng, trốn đóng BHXH, nhưng số đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn có dấu hiệu gia tăng. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục có những biện pháp “mạnh tay” đối với những doanh nghiệp vi phạm, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý theo quy định.

"Mạnh tay" thực hiện các giải pháp giảm nợ đóng, trốn đóng BHXH.
"Mạnh tay" thực hiện các giải pháp giảm nợ đóng, trốn đóng BHXH.

Số doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH có xu hướng tăng

Vừa qua, do tác động của dịch Covid-19 khiến số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh và tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH cũng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn quỹ BHXH. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến tại các tỉnh, thành phố, trong đó điển hình tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thống kê của BHXH TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay, toàn Thành phố có hơn 89.500 đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH thì có đến 42.680 đơn vị nợ đọng BHXH từ 1 - 3 tháng (chiếm gần 48%).

Còn tại Hà Nội, đến hết ngày 31/5/2020, toàn Thành phố còn 53.083 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ đóng BHXH, tập trung chủ yếu ở khối DN ngoài quốc doanh. Sau nhiều năm nỗ lực kiềm chế, tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn Hà Nội đang tăng trở lại với tổng số tiền nợ phải tính lãi là hơn 1.851 tỷ đồng, tăng hơn 937 tỷ đồng so với cuối năm 2019.

Không riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tình trạng nợ đóng BHXH gia tăng ở các tỉnh, thành phố tập trung nhiều DN đang hoạt động. Tại tỉnh Bình Dương, các DN đang nợ BHXH là 630 tỷ đồng và công tác thu nợ gặp nhiều khó khăn…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng BHXH gia tăng trở lại là do dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít DN, khiến DN không cân đối được nguồn tiền, để đóng BHXH cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, DN tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định.

“Mạnh tay” xử lý doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thời gian qua, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, trong đó nổi bật là giải pháp hỗ trợ tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/5/2020, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất của nhiều đơn vị, DN, trong đó có gần 1.200 hồ sơ đã được phê duyệt dừng đóng của hơn 107.000 lao động, với số tiền gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều đơn vị có biến động về lao động được giãn nợ BHXH.

Đối với các DN ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ quan BHXH từ trung ương đến các địa phương tiếp tục tuyên truyền, tổ chức đối thoại, tọa đàm với DN và người lao động về thực hiện nghĩa vụ đóng, nộp BHXH; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện chính sách BHXH, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, DN tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện…, để tăng nguồn quỹ cho BHXH.

Ngoài triển khai các giải pháp trên, cơ quan BHXH sẽ có những biện pháp “mạnh tay” hơn đối với các đơn vị, DN chây ỳ, trốn đóng, nợ đóng BHXH. Chẳng hạn như: Tại  Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2020, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH tại các DN nợ đóng, trốn đóng, phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý theo quy định.

Hay như tại TP. Hồ Chí Minh, các DN nợ đóng BHXH, sau một năm mà DN không chấp hành quyết định xử phạt hành chính thì cơ quan BHXH TP.Hồ Chí Minh sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý hình sự. Hiện nay, BHXH TP.Hồ CHí Minh đã chuyển hồ sơ 85 DN trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sang cơ quan công an để điều tra xử lý theo quy định.

Như vậy, để giảm nợ đóng, trốn đóng BHXH thì cần có sự phối hợp của các cơ quan hữu quan để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh hậu Covid-19.  

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng BHXH gia tăng trở lại là do dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít DN, khiến DN không cân đối được nguồn tiền, để đóng BHXH cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, DN tuy không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng mức quy định.