Làm gì để minh bạch cho vay tín dụng tiêu dùng?
Thời gian qua, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đã có sự tăng trưởng nhanh, với giá trị đạt 10,4 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực này diễn ra khá phổ biến. Đâu là giải pháp để tín dụng tiêu dùng thực sự hoạt động hiệu quả, hài hòa lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp?
Tư vấn lãi suất 2 - 3%, hợp đồng ghi 72%
Tín dụng tiêu dùng không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng của các công ty tín dụng tiêu dùng.
Tính đến hết tháng 12/2015, cả nước có 16 công ty tài chính hoạt động. Còn theo báo cáo của Công ty StoxPlus - đơn vị chuyên cung cấp thông tin chứng khoán và dữ liệu doanh nghiệp, công bố hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam năm 2015 tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, với dư nợ cho vay đạt hơn 15 tỷ USD…
Còn tính đến tháng 8/2015, giá trị tín dụng tiêu dùng đạt 10,4 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP. Dự báo, đến năm 2020, tổng giá trị thị trường tín dụng tiêu dùng đạt 10% GDP, tương đương 10 tỷ USD.
Mặc dù lĩnh vực tín dụng tiêu dùng được đánh giá có sự tăng trưởng nhanh và nóng, tiềm năng phát triển còn rất lớn, song lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều vấn đề. Số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho thấy, khiếu nại trong tín dụng tiêu dùng chiếm hơn 80% tổng số cuộc khiếu nại thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Theo đại diện Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh Hồ Tùng Bách, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, tuy nhiên thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra khá nhức nhối.
“Có trường hợp, nhân viên tư vấn tín dụng tiêu dùng nói lãi suất chỉ 2 - 3%/tháng, nhưng khi người tiêu dùng nhận hợp đồng thì lãi suất lên tới 60 - 72%/năm, cá biệt có trường hợp lãi suất lên tới 84%/năm! Thậm chí, có trường hợp khi ký hợp đồng, phần lãi suất được để trống, người tiêu dùng gần như ký vào tờ giấy trắng. Sau đó, doanh nghiệp tự điền lãi suất vào bản hợp đồng. Khi người tiêu dùng phát hiện thì “sự đã rồi”, giấy trắng mực đen nên khó bảo đảm được quyền lợi của mình”, ông Bách nói.
Ngoài ra, còn nhiều hình thức vi phạm khác như xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua sử dụng thông tin thu thập không đúng mục đích. Theo đó, doanh nghiệp yêu cầu người tiêu dùng cung cấp tên, số điện thoại người thân nhằm “tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt thông tin”, song khi tranh chấp xảy ra thì nhân viên doanh nghiệp lại đến tận nhà đe dọa, khủng bố tinh thần người thân của khách hàng. Khi người tiêu dùng có khiếu nại, gọi vào tổng đài hoặc đường dây nóng của doanh nghiệp thì số máy liên tục báo bận, hoặc nhân viên tổng đài và nhân viên trực tiếp tư vấn cho vay tín dụng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết cho nhau…
TS. Đinh Thị Thanh Nhàn, Khoa Kinh tế và Luật, Đại học Thương mại Hà Nội bổ sung, hiện pháp luật chưa có quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng. Cơ sở xác định quy trình, giới hạn, thủ tục cho vay đang dựa vào Luật Tổ chức tín dụng 2010; áp dụng theo Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN; quy trình, thủ tục nội bộ do ngân hàng hoặc tổ chức tài chính ban hành.
Song, các quy định có liên quan còn lạc hậu, áp dụng chung cho cả ngân hàng và công ty tài chính. Về lãi suất cho vay, mặc dù Bộ luật Dân sự đã quy định khá chi tiết, nhưng trên thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng thường quá cao, từ 22 - 60% (đặc biệt tại các công ty tài chính); chưa kể doanh nghiệp áp dụng nhiều khoản phí, phạt để lách quy định về giới hạn lãi suất trần của pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí đẩy họ vào cảnh túng quẫn.
Cần sự điều chỉnh của pháp luật
Từ thực trạng trên, theo các chuyên gia, muốn tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, trước tiên cần nâng cao nhận thức và kiến thức của người tiêu dùng thông qua công tác tuyên truyền, xây dựng các công cụ hỗ trợ, tư vấn thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng; khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh; nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan.
TS. Đinh Thị Thanh Nhàn đề xuất, cần sớm ban hành quy định riêng cho hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng, quan tâm đến sự khác biệt giữa tín dụng tiêu dùng của ngân hàng và công ty tài chính.
Về lãi suất cho vay, trong ngắn hạn, cần nới lỏng mức lãi suất trần cho vay tiêu dùng, quy định cụ thể giới hạn thu các khoản phí trong các hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Về dài hạn, cần hạn chế sử dụng công cụ lãi suất trần, tăng cường quản lý bằng các biện pháp khác như kiểm soát quy trình, giới hạn rủi ro; tăng cường cơ chế giám sát thông tin bảo đảm tính minh bạch trong việc tính toán áp dụng lãi suất.
Ông Hồ Tùng Bách bổ sung, muốn tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, phải minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng. Theo đó, doanh nghiệp phải công khai quy trình ký kết và thực hiện hợp đồng để khách hàng biết.
Doanh nghiệp có hình thức cung cấp và thống nhất rõ ràng với khách hàng về các nội dung, điều khoản quan trọng như lãi suất, cách thức trả nợ…; đa dạng hóa và bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả các kênh liên hệ giữa khách hàng với công ty.
Để có được sự minh bạch này, theo nhiều chuyên gia, không thể chỉ dựa vào ý thức tự giác trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp mà phải có sự điều chỉnh của pháp luật.