Hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng

PV.

Nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Tiềm năng lớn, song rủi ro đối với hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng cũng không dễ kiểm soát. Vì vậy, các công ty tài chính cần có các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vốn vay cũng như quyền lợi của khách hàng.

Tiềm năng đi liền với rủi ro

Hiện nay, cho vay tiêu dùng là hình thức rất phổ biến ở các quốc gia, đặc biệt là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty tài chính (CTTC) đều có các sản phẩm cho vay tiêu dùng, từ các khoản vay lớn như: mua nhà, mua ô tô… cho đến các khoản vay nhỏ như: vay mua đồ gia dụng, điện thoại, xe máy, khám chữa bệnh, du lịch...

Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 8%; tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 6%; tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.

Tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng bao gồm hầu hết các NHTM, các CTTC trong nước và 100% vốn nước ngoài. Với cơ cấu dân số trẻ, tốc độ tăng tự nhiên cao, nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ có những bước tăng trưởng nhanh và trở thành cơ cấu tín dụng quan trọng tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn cho vay tiêu dùng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề và thách thức lớn đối với các NHTM cũng như CTTC trong việc quản lý thông tin khách hàng, xây dựng kênh bán hàng, quản trị rủi ro, lãi suất...

Tại Việt Nam, khái niệm về cho vay tiêu dùng hiện vẫn chưa được rõ ràng. Một số quan điểm cho rằng các khoản vay này bao hàm các khoản cho vay có tài sản đảm bảo, chủ yếu là các khoản cho vay mua nhà, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, mua ô tô có quy mô lớn có khi lên đến cả chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, các CTTC lại hướng đến đối tượng khách hàng đại chúng, dưới chuẩn (có thu nhập trung bình và thấp, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng…) với các khoản vay tiêu dùng nhỏ, không có tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt…

Cũng chính vì vậy mà các CTTC đang phải đối mặt với tỷ lệ rủi ro khá lớn. Với khoản vay nhỏ lẻ, so với các loại hình tín dụng thông thường khác, vốn tín dụng tiêu dùng của CTTC được triển khai tương đối dễ dàng nên đã trở thành khe hở cho các đối tượng bất chính lợi dụng, chiếm đoạt vốn.

Lãnh đạo của một số CTTC cho biết, công ty đã gặp vài rắc rối khi cho vay tiêu dùng mua ô tô. Theo nguyên tắc, khi cho vay tiêu dùng mua ô tô, khách hàng chỉ phải thế chấp giấy tờ xe gốc. Lợi dụng điều này, nhiều khách hàng làm ăn thua lỗ đã tìm cách báo mất giấy tờ xe ô tô để được cấp giấy tờ xe mới, rồi từ đó bán tháo ô tô khiến ngân hàng mất trắng tiền, nếu kiện cáo cũng theo “hầu” rất lâu, mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Hạn chế rủi ro bằng đa dạng hóa gói vay tiêu dùng

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh tín dụng cho vay tiêu dùng, các CTTC cần đa dạng hóa sản phẩm hơn nữa để phù hợp với sức chi trả của từng phân khúc khách hàng. Đơn cử như hiện nay, mức lãi suất ưu đãi 0% mới chỉ dừng lại ở dòng hàng điện thoại, máy tính và cũng chỉ có ở một số model nhất định có trợ giá của nhà sản xuất. Đối với người tiêu dùng, đây có thể là một kênh tốt để mua sắm nếu người mua có thu nhập ổn định, làm chủ tình hình tài chính của bản thân.

Ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các CTTC, với sự thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập. Sự phát triển của hoạt động cho vay tiêu dùng đã kéo theo tính đa dạng của chuỗi sản phẩm - dịch vụ cung ứng và tính tiện lợi khi khách hàng tiếp cận vốn vay.

Hiện nay, các CTTC đang hướng đến cho vay tiêu dùng ở 3 dòng sản phẩm - dịch vụ chính: dịch vụ cho vay mua xe máy trả góp, dịch vụ cho vay mua sắm đồ điện tử gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt (bao gồm: cho vay theo lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh, theo hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng khác hay cho vay tiền mặt tại quầy, cho vay tiền mặt tại bưu cục, cho vay du lịch trả góp, cho vay đám cưới tự lập…).

Người tiêu dùng chính là người được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất những lợi ích mà hình thức cho vay tiêu dùng mang lại. Cho vay tiêu dùng giúp người dân kết hợp nhu cầu hiện tại với khả năng thanh toán trong tương lai. Bên cạnh đó, kể từ khi xuất hiện hình thức này, sức mua của người dân tăng nhanh khiến thị trường tiêu dùng phát triển. Điều này đã thúc đẩy các nhà sản xuất cạnh tranh và đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn, từ đó tiếp tục mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.