Lạm phát bình quân trong quý I/2022 có thể tăng từ 2% - 2,2%

Hà Anh (T/h)

Đây là nhận định của ông Nguyễn Bá Khang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) tại Diễn đàn trực tuyến “Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” do Tạp chí Hải quan tổ chức chiều 9/3/2022.

Ông Nguyễn Bá Khang cho biết, thời gian qua, việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại đến công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng.

Nhìn lại tình hình kiểm soát lạm phát thời gian qua, ông Nguyễn Bá Khang cho rằng, từ năm 2015 tới nay, lạm phát được kiểm soát tốt, dao động bình quân trong khoảng từ 2% - 3%. Trong đó, lạm phát lõi chỉ dao động từ 1% - 2%, nên lạm phát tổng thể chỉ khoảng 2,6%. Đây là mức lạm phát tốt so với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Khang - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nhận định: Lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao.
Ông Nguyễn Bá Khang - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nhận định: Lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao.

Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát tốt trong thời gian qua góp phần tạo nền tảng quan trọng giúp kinh tế Việt Nam chống chọi được với cú sốc giá bên ngoài.

Qua theo dõi diễn biến giá cả các mặt hàng trên thị trường, ông Nguyễn Bá Khang khẳng định, việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 để kích cầu đã góp phần vào bình ổn giá và kiềm chế lạm phát tăng ở một số ngành.

“Theo tính toán, lạm phát bình quân trong quý I/2022 có thể tăng trong khoảng 2%- 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Diễn biến này cũng nằm trong xu thế dài hạn của lạm phát, bởi vì về cơ bản lạm phát lõi vẫn đang ở mức thấp, nhờ đó đã tạo nên nhân tố hết sức tích cực để bù đắp lại phần tăng đột biến của giá xăng dầu trong thời gian tới”, ông Nguyễn Bá Khang nhận định.

Lý giải thêm về mức tăng của lạm phát trong quý I, ông Khang cho rằng, việc bắt đầu đưa gói phục hồi kinh tế với quy mô lớn vào đời sống sẽ thúc đẩy tổng cầu lớn tạo yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, áp lực này sẽ chậm hơn một chút do độ trễ của chính sách và chu kỳ lạm phát này sẽ khác với các chu kỳ lạm phát trước ở các yếu tố do tổng cầu gia tăng quá nhanh.

“Lạm phát lần này được gây ra bởi yếu tố thiếu hụt cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất. Do đó, lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao”, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia nhận định.