Lạm phát cao trên toàn cầu đang khiến ngân hàng trung ương các nước “đau đầu” như thế nào?
Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh nhất nhiều năm tại nhiều nước đã khiến cho các ngân hàng trung ương trên thế giới có những phản ứng trái chiều.
Lạm phát tăng cao đang gây ra nhiều nỗi lo trên khắp tế giới bởi nhu cầu sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và nhiều loại khác tăng vọt khi các biện pháp phong tỏa thời kỳ COVID-19 được nới lỏng, cùng lúc đó, nguồn cung có nhiều hạn chế và giá cả các sản phẩm năng lượng và hàng hóa nguyên liệu thô đồng loạt tăng, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh nhất nhiều năm tại nhiều nước đã khiến cho các ngân hàng trung ương trên thế giới có những phản ứng khác nhau. Hơn 12 ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất cơ bản đồng nội tệ. Tuy nhiên, hai ngân hàng trung ương có sức ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu hiện giờ vẫn chưa hành động bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Phản ứng chính sách khác nhau phản ánh cho khác biệt về quan điểm liên quan đến liệu việc giá cả tăng cao có đẩy cao lạm phát toàn cầu hoặc thay vào đó sẽ đi ngang. Quan điểm nào là đúng đắn sẽ định hình đường hướng của kinh tế toàn cầu trong vài năm tới.
Các ngân hàng trung ương lớn đang phụ thuộc vào các hộ gia đình vốn có niềm tin vào khả năng kiềm chế lạm phát ở mức thấp, ngoài ra phải tính đến kỳ vọng rằng có đủ người lao động để ngăn mức lương tăng cao.
Giới chức tiền tệ nhiều nước không chắc chắn rằng họ đã hành động đúng để ngăn lạm phát, đồng thời họ dự báo nhiều hơn về khả năng mức lương sẽ tăng lên. Tại các nước nghèo, phần lớn chi tiêu của người dân dành vào các loại mặt hàng thiết yếu ví như thực phẩm và năng lượng vốn cho đến nay đã tăng giá khá cao, chính vì vậy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã hành động nhanh hơn để kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Chile vào ngày thứ Tư đã nâng lãi suất thêm 1,25 điểm phần trăm lên 2,75%, động thái khiến cho rất nhiều chuyên gia kinh tế ngạc nhiên. Đây là lần nâng lãi suất mạnh tay nhất trong 20 năm của Ngân hàng Trung ương Chile.
Từ tháng 3/2021, giá cả bắt đầu tăng trên toàn thế giới và đẩy cao lạm phát đúng theo ngưỡng mà phần lớn người đứng đầu các ngân hàng trung ương trên thế giới kỳ vọng. Đến tháng 8, tỷ lệ lạm phát tại nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm đóng góp khoảng 4/5 sản lượng kinh tế toàn cầu, đã lên mức cao nhất trong 1 thập kỷ.
Lạm phát tăng cao trong thời gian gần đây có nguyên nhân kết hợp từ nhiều yếu tố mà người đứng đầu ngân hàng trung ương nhiều nước chưa từng thấy trước đây.
Nhu cầu tiêu dùng đã hồi phục sớm hơn và mạnh hơn bình thường. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn khó gặp cầu. Kỳ vọng về khả năng nhu cầu không tăng quá nhanh, rất ít nhà sản xuất đã tăng quy mô sản xuất trong thời kỳ đại dịch COVID-19, cùng lúc đó nhà máy tại nhiều khu vực trên thế giới đã chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế của chính phủ nhiều nước liên quan đến công việc và đi lại.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương nhóm nước G20 trong cuộc họp mới đây vào ngày thứ Tư nói rằng họ kỳ vọng các yếu tố cung cầu sẽ cân bằng trong những tháng tới, còn lạm phát sẽ hạ nhiệt.
Một số ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất chủ chốt, đặc biệt phải kể đến Brazil và Nga. Khi mà lạm phát tăng cao hơn và không có dấu hiệu ngừng lại, một số ngân hàng trung ương khác cũng đã hành động tương tự.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) với khoảng 38 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, 13 ngân hàng đã nâng lãi suất đồng USD ít nhất 1 lần. Vào tháng 10, ngân hàng trung ương tại New Zealand, Ba Lan và Rumani nâng lãi suất cho vay lần đầu tiên tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Singapore cũng nâng lãi suất vào ngày thứ Năm vừa rồi.
Đối với người đứng đầu các ngân hàng trung ương, mối lo lớn nhất chính là lạm phát trở nên kéo dài bởi các hộ gia đình đang bắt đầu tin rằng lạm phát cao sẽ dẫn đến lương tăng còn phía doanh nghiệp cũng đang tính đến tăng kỳ vọng lạm phát và nâng giá bán hàng hóa.