Làm rõ các căn cứ để định giá lại tài sản thi hành án
Định giá tài sản là một khâu trong quy trình cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2014. Song, thực tiễn đang phát sinh những vướng mắc đòi hỏi cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các căn cứ để tiến hành định giá lại tài sản.
Về việc lựa chọn giá để bán đấu giá, một số cơ quan THADS đề nghị làm rõ việc lựa chọn giá để bán đấu giá tài sản do khoản 3 Điều 99 Luật THADS quy định: “Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định”.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 32 Luật Giá năm 2012 quy định: “Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong các căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc là người được sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản”.
Về vấn đề này, theo quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Giá năm 2012 và Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 về cùng một vấn đề (xác định giá khởi điểm và sử dụng kết quả thẩm định giá làm giá khởi điểm) thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Đồng thời tại điểm a khoản 2 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định rõ giá khởi điểm của tài sản đấu giá là tài sản thi hành án được xác định theo quy định pháp luật áp dụng đối với tài sản đó. Như vậy, hiện hành cơ quan THADS áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 99 Luật THADS để thực hiện việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá.
Thực tế cũng có rất nhiều khiếu nại liên quan đến việc định giá tài sản cho rằng giá không phù hợp với thực tế. Quá trình hoàn thiện, cần nghiên cứu quy định của Luật Giá với Điều 99 Luật THADS theo hướng giữ nguyên quy định của Luật THADS như hiện hành hoặc sửa đổi theo hướng của Luật Giá (xem giá thẩm định là căn cứ để cơ quan THADS xem xét, quyết định giá khởi điểm của tài sản).
Một trong các căn cứ để định giá lại tài sản kê biên là: Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật THADS dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể nội dung này. Do vậy cần xem xét bổ sung quy định về việc xác định thế nào là “vi phạm nghiêm trọng dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản”.
Hiện tại, trong quá trình chờ cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật THADS, từ quy định của Điều 98 Luật THADS thì có thể coi khi có một trong các trường hợp sau là vi phạm nghiêm trọng làm căn cứ thẩm định giá lại tài sản như: Nội dung hợp đồng không phản ánh đúng sự thật khách quan của tài sản kê biên cần thẩm định giá. Chấp hành viên xác định giá không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
Ngay khi kê biên, Chấp hành viên không cho đương sự thỏa thuận về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá hoặc không lập biên bản theo thỏa thuận của các bên đương sự về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá; lập biên bản thỏa thuận nhưng không ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá như đương sự đã thỏa thuận lựa chọn.
Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức không có chức năng, thẩm quyền thẩm định giá theo quy định pháp luật hoặc có chức năng thẩm định giá nhưng người ký hợp đồng hoặc ký chứng thư không có thẩm quyền về đại diện theo pháp luật hoặc tiêu chuẩn chuyên môn; ký với tổ chức thẩm định giá không dựa trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên mà không có thỏa thuận của đương sự.
Cùng với đó, cần nghiên cứu xem có cần thiết quy định việc chứng minh có hậu quả “làm sai lệch kết quả định giá” thuộc trách nhiệm của người có yêu cầu định giá lại hay không. Có cần quy định việc xác định các hành vi vi phạm phải được kết luận bằng văn bản hay không, nếu có thì những văn bản nào? Trường hợp đương sự cung cấp giá thẩm định mới có được chấp nhận hay không?.
Ngoài ra, có cần phân biệt một số loại tài sản đặc thù (như tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn) cần phải có cơ chế định giá riêng hay không? Có cần bổ sung những trường hợp phải thẩm định giá lại hay không (như đã hết thời hạn chứng thư thẩm định giá do phải dừng để giải quyết khiếu nại?.
Mặt khác, trong trường hợp giá của tài sản không phù hợp, bên cạnh quyền yêu cầu định giá lại như hiện hành thì Luật Giá cũng như Luật THADS quy định chưa rõ quyền khiếu nại của đương sự. Do vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu về quyền khiếu nại này được thực hiện như thế nào, ai có thẩm quyền giải quyết, thủ tục giải quyết ra sao…?.