Làm rõ kiến nghị về việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan
Vừa qua, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” đã được tổ chức. Đây là kênh đối thoại quan trọng giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng cộng đồng các nhà tài trợ, cơ quan ngoại giao nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn, đánh giá về quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, giai đoạn hơn một năm trở lại đây, chính sách, pháp luật thuế có những thay đổi mạnh mẽ nhằm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Một loạt các văn bản tháo gỡ các vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Bộ Tài chính ban hành. Những nỗ lực cải cách này đang tác động tích cực tới cộng đồng DN.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ Tài chính và các Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã trả lời nhiều kiến nghị cụ thể của DN. Tapchitaichinh.vn tổng hợp các giải đáp kiến nghị của Bộ Tài chính đối với DN tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2015.
Trong phần này là các nội dung trả lời của Tổng cục Hải quan về những kiến nghị của DN liên quan đến việc tiếp tục đơn giản hóa một số thủ tục hải quan.
1. Về ý kiến của DN cho rằng một số thủ tục hải quan chưa rõ ràng và chưa hợp lý
Về ý kiến này, Tổng cục Hải quan giải đáp như sau:
Về thời gian tạm nhập tái xuất phương tiện quay vòng: được quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, theo đó, thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục. Trường hợp thương nhân với bên đối tác thỏa thuận kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất thì trước khi hết thời hạn đã đăng ký, người khai hải quan có văn bản thông báo và nộp kèm văn bản thỏa thuận gia hạn tạm nhập, tạm xuất cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục.
Về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chất lượng: theo quy định tại khoản 6 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, người khai hải quan có trách nhiệm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản trừ trường hợp việc kiểm tra kéo dài theo xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Do đó, trường hợp chậm chễ kéo dài do cơ quan kiểm tra chuyên ngành, người khai hải quan sẽ không bị xử phạt nộp chậm nếu có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Về quy định không được sửa mã địa điểm: việc sửa mã địa điểm đã lưu kho hàng chờ thông quan đã được hướng dẫn cụ thể tại Điểm 4 Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
2. Về ý kiến cho rằng việc kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát hải quan tại nhiều địa phương còn gây phiền hà cho doanh nghiệp
Tổng cục Hải quan ghi nhận để hoàn thiện lại quy trình kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát hàng hóa. Hiện tại, việc giám sát hàng hóa đang được thực hiện thủ công. Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu để áp dụng việc giám sát hàng hóa theo phương thức điện tử, đồng thời, trao đổi thông tin về hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát cho các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng để các doanh nghiệp này thực hiện việc giám sát trực tiếp, góp phần giảm thủ tục hành chính.
3. Về ý kiến cho rằng hoạt động kiểm tra sau thông quan còn nhiều bất cập
Ý kiến giải đáp của Tổng cục Hải quan như sau:
+ Về việc kiểm tra sau thông quan các tờ khai đã được kiểm tra thực tế:
Khoản 1, Điều 77 Luật Hải quan số 45/2014/QH13 ngày 23/6/2014 quy định: “Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa; kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan.
Việc kiểm tra sau thông quan nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan Hải quan; đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan và các quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan”
Theo quy định trên thì việc kiểm tra sau thông quan đối với cả các tờ khai đã được kiểm tra thực tế tại khâu trong thông quan là phù hợp. Trong thực tế một số nội dung như mã số HS, trị giá và C/O, việc thực hiện kiểm tra sau thông quan mới đảm bảo tính hiệu quả, đủ cơ sở để xác định sai phạm.
+ Về ý kiến cho rằng việc xử lý đối với số lượng nguyên phụ liệu chênh lệch giữa số liệu tồn kho của doanh nghiệp và của cơ quan Hải quan không hợp lý:
Về nguyên tắc quản lý và theo dõi nguyên phụ liệu thuộc loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu thì số lượng tồn trên hồ sơ khai báo hải quan phải bằng số lượng tồn thực tế tại doanh nghiệp tại cùng một thời điểm chốt số liệu tồn. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra sau thông quan đều thấy có chênh lệch mà trong thời hạn giải trình theo quy định doanh nghiệp không giải trình, chứng minh được nguyên nhân dẫn đến phát sinh chênh lệch.
Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 39, Luật Quản lý thuế thì cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hơp: “Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế”;
Căn cứ điểm a và b, khoản 3, Điều 33 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP thì người nộp thuế bị cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp: “Khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;
Từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định về việc cung cấp các tài liệu liên quan theo yêu cầu của cơ quan Hải quan để xác định số thuế phải nộp; không chứng minh hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan Hải quan”;
Theo các căn cứ nêu trên thì việc xử lý thuế (ấn định thuế) đối với số lượng nguyên phụ liệu phát sinh chênh lệch giữa tồn thực tế và tồn trên hồ sơ khai báo hải quan là phù hợp với quy định nêu trên.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, đồng thời bảo đảm công tác quản lý hải quan phù hợp với thực tế sản xuất, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền biện pháp đối với trường hợp xử lý nêu trên.
4. Về ý kiến cho rằng thủ tục báo cáo quyết toán đối với hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu chưa được hướng dẫn cụ thể
Trong quá trình triển khai thực hiện cũng như tại các Hội nghị tập huấn tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Tổng cục Hải quan đã nhận được phản ánh vướng mắc của một số Cục hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Ngày 10/7/2015, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6330/TCHQ-GSQL giải đáp vướng mắc Thông tư số 38/2015/TT-BTC trong đó hướng dẫn cụ thể việc thực hiện báo cáo quyết toán theo quy tại Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (tại số thứ tự 27 trong Bảng tổng hợp vướng mắc đính kèm nội dung công văn số 6330/TCHQ-GSQL dẫn trên).
Đồng thời, tại Điểm 7 Công văn 18195/BTC-TCHQ ngày 08/12/2015 của Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn cụ thể việc lập báo cáo quyết toán theo năm tài chính đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, và doanh nghiệp chế xuất.
Ngoài ra, đối với loại hình sản xuất xuất khẩu, theo phản ánh của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất xuất khẩu, ngoài việc thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế đối với các tờ khai nhập khẩu nguyên liệu khi đến thời hạn theo quy định, doanh nghiệp còn phải lập báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ngày 02/11/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 16120/BTC-TCHQ hướng dẫn việc nộp báo cáo quyết toán theo Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện loại hình sản xuất xuất khẩu chưa phải thực hiện báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Vì vậy, căn cứ hướng dẫn trên thì doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp gia công mới phải thực hiện báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
5. Đối với việc xác nhận trên tờ khai?
Tại khoản 9 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định tờ khai hải quan điện tử có giá trị sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục về thuế, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sử dụng tờ khai hải quan điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu người khai hải quan cung cấp tờ khai hải quan giấy. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm cung cấp thông tin tờ khai hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Căn cứ quy định trên thì các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sử dụng tờ khai điện tử để phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cơ quan Hải quan phải xác nhận trên tờ khai.