Lần đầu tiên khoán xe công vào Nghị quyết Quốc hội

Theo BizLIVE

Bên lề hành lang Quốc hội sáng nay (11/11), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trước đây vấn đề xe công và khoán xe công đã nói nhiều nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề này đi vào Nghị quyết Quốc hội.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết về khoán xe công. Ảnh Minh Huệ
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết về khoán xe công. Ảnh Minh Huệ

“Tuy nhiên vẫn cần phải có một lộ trình để thực hiện việc khoán xe công. Theo tôi, chúng ta phải loại ra, đối với những xe công mang tính chất công cộng, phục vụ như xe lực lượng công an, quân đội, cấp cứu…thì không thể thực hiện khoán được”, chủ nhiệm Hiển cho biết.

Theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, việc khoán xe công chủ yếu dành là những xe cho các chức danh lãnh đạo đang sử dụng và phải tính toán.

“Nếu thực hiện khoán thì phải áp dụng từ hệ số 1,3 trở xuống. Nhưng phải thực hiện có lộ trình và khi bắt đầu thực hiện thì triển khai đối với chức danh lãnh đạo có hệ số từ 1,25 trở xuống. Còn với những chức danh lãnh đạo có hệ số từ 1,3 thì được sử dụng xe. Nhưng số lượng này cũng không nhiều, vì một tỉnh cũng chỉ có 3 chức danh, 1 bộ thì chỉ có một số thứ trưởng, tổng cục trưởng loại 1 thì mới được đi xe”, ông Hiển nhận định.

Ông Hiển cho rằng chi phí xe công chủ yếu nằm ở những xe phục vụ còn chức danh thì không nhiều lắm nhưng theo tôi vẫn phải làm nghiêm để một số lãnh đạo cũng phải góp phần vào việc thực hành tiết kiệm.

“Đó là 1 tấm gương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần sử dụng đồng tiền ngân sách một cách hợp lý”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Hiển khẳng định việc thực hiện khoán xe công sẽ có sự ráo riết và sát sao và Chính phủ sẽ phải thực hiện vì đã có đề án. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên vấn đề này đi vào Nghị quyết Quốc hội.

Trả lời câu hỏi vì sao việc thực hiện khoán xe công lại khó triển khai, ông Hiển cho rằng phải hiểu về câu chuyện tại sao phải có xe công? Xe công được dành cho những chức danh có khối lượng công việc cần xử lý lớn, đảm bảo vấn đề an toàn.

“Nếu bây giờ đặt ra chính sách về khoán xe công thì đương nhiên các chức danh lãnh đạo sẽ phải thực hiện. Còn bảo xung phong, tự nguyện thì khó. Ví như cũng là một chức Thứ trưởng, nhưng đồng chí này đi xe, đồng chí kia lại đi taxi, xe ôm đến thì trông không được đẹp! Nhưng nếu như đồng loạt thì có khi lại vui vẻ. Tôi nói thật thế”, ông Hiển bình luận.

Ông Hiển cho biết trước đây có một đồng chí (ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) có đi xe ôm, nhưng cũng chỉ đi được 1 tháng thì cũng quay trở về bình thường, vì không đúng với quy chuẩn.

Thế nên nếu muốn thực hiện được cần phải quy chuẩn hóa và tiêu chuẩn đến đâu thì thực hiện được. Nếu yêu cầu khoán thì mọi người thực hiện đi theo. Cái gì cũng được phân biệt bởi ranh giới của luật pháp.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết ông là một trong những người được khoán xe công. Tuy nhiên, khi thực hiện thì có một số vấn đề chưa được làm rõ.

“Khi được khoán xe, một trong những yếu tố được đặt ra là an toàn và đúng giờ như sử dụng xe nhà nước hay không? Người được khoán xe có thể là tự lái hoặc thuê taxi hoặc dùng các biện pháp khác không? Rõ ràng về mặt tư duy cũng có sự phân tán”, ông Hùng nhận định.

Ông Hùng cho biết, theo quy định khoán xe của Văn phòng Quốc hội hiện nay, việc đi từ nhà đến cơ quan thì được quy định rõ, nhưng còn việc đi công tác, đi họp hành trong nội thành tự đảm nhiệm, khi ra vào cửa cơ quan như thế nào cũng chưa được quy định rõ ràng.

“Điều này là khó khăn chứ không thuận lợi như xe biển xanh (xe nhà nước). Tôi cũng thấy một số đồng nghiệp phản ánh, có người không có điều kiện như không có xe riêng, hoặc chưa có bằng lái nếu dùng tiền khoán xe để đi taxi thì không đủ. Tôi nghĩ đó là những khó khăn mà các cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu”, ông Hùng kiến nghị.