Làn sóng Covid-19 lại xuất hiện, giá nhà từ giờ tới cuối năm tăng hay giảm?

Theo Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn

Do Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn từ việc phòng chống dịch Covid-19 làn sóng thứ nhất nên mức độ tác động của làn sóng thứ 2 đến phân khúc động sản nhà ở có thể sẽ nhẹ hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội đã có những nhận định, dự báo xung quanh tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai tới bất động sản nhà ở cũng như giá cả tại phân khúc này.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về những tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai tới phân khúc bất động sản nhà ở. Liệu giao dịch có tiếp tục giảm sau một thời gian phục hồi, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Do Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn từ việc phòng chống dịch Covid-19 làn sóng thứ nhất nên mức độ tác động của làn sóng thứ 2 đến phân khúc động sản nhà ở có thể sẽ nhẹ hơn.

Tuy nhiên lượng giao dịch được dự đoán sẽ có giảm sút so với thời gian phục hồi gần đây vào tháng 5, tháng 6 năm 2020.

Các doanh nghiệp bất động sản tập trung nhiều vào công tác lấy dự án, chuẩn bị phát triển sản phẩm, phương án kinh doanh ngay khi có thể trong điều kiện bình thường mới và kịch bản nếu có làn sóng mới.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội cho rằng, lượng giao dịch sẽ giảm sút so với hồi tháng 5, 6/2020 dưới tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội cho rằng, lượng giao dịch sẽ giảm sút so với hồi tháng 5, 6/2020 dưới tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai

Bà nhận định giá bất động sản sẽ ra sao với các kịch bản về kiểm soát Covid-19. Liệu giá bất động sản nhà ở có giảm từ giờ đến cuối năm hay sẽ vẫn tăng bất chấp đại dịch như những tháng đầu năm?

Đầu tư bất động sản luôn mang tính dài hạn. Quỹ đất đô thị có hạn. Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn về dài hạn luôn gia tăng. Giá bất động sản trên thị trường thứ cấp tại các đô thị này được đánh giá là sẽ ổn định.

Trong khi đó, tại thị trường sơ cấp (người mua có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư), tốc độ bán hàng chậm hơn trước đây; thời gian xây dựng có thể bị ảnh hưởng do Covid-19; sự không chắc chắn về diễn biến của dịch này; kỳ vọng gia tăng của khách hàng về chất lượng, tiện ích dự án cùng một số nguyên nhân khách quan khác khiến chi phí vốn có thể tăng lên. Đây là cơ sở cho thấy giá nhà ở trên thị trường sơ cấp này khó có thể giảm so với mặt bằng chung.

Liên quan đến giá bất động sản, đã từng có thời điểm “nổ” ra tranh luận về giá bất động sản nhà ở Việt Nam cao hay thấp? Nhiều ý kiến cho rằng, giá bất động sản nhà ở Việt Nam đang quá cao, tốc độ tăng nhanh hơn rất nhiều tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân?

Khả năng chi trả đối với nhà ở tại Việt Nam được đánh giá là đã được cải thiện trong thời gian qua.

Chỉ số giá nhà trên thu nhập của Việt Nam giảm từ 34 vào năm 2016 xuống 22 vào nửa đầu năm 2020 do sự gia tăng của tầng lớp thượng lưu và trung lưu.

Chỉ số giá nhà trên thu nhập của Việt Nam tương đương Thái Lan và Singapore (22), thấp hơn Philippines (30) nhưng cao hơn Indonesia (21) và Malaysia (10).