Lan tỏa giá trị "ngầm" giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Nhờ sự vào cuộc quyết tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành, những giá trị "ngầm" từ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trải qua gần 10 năm thực hiện Quyết định nêu trên, với sự quyết tâm, sâu sát của Bộ Khoa học và Công nghệ mà trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Việc thực hiện các dự án của Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã lan tỏa ở khắp các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội đất nước như: các ngành công nghiệp, chế biến (Bộ Công thương chủ trì); các ngành nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, phòng chống thiên tai... (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì), các ngành dược phẩm, thiết bị y tế, khám chữa bệnh (Bộ Y tế chủ trì); các sản phẩm vật liệu xây dựng, xi măng, gạch ốp lát… (Bộ Xây dựng chủ trì); các lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông, sản phẩm tổng đài, thiết bị đầu cuối… (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì).
Lấy ví dụ từ một trong những dự án quan trọng của Chương trình là “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, có thể thấy, Dự án đã được triển khai từ năm 2011 đã mang lại với những tác động rõ nét. Nếu trước đây, việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả...), quy chuẩn Việt Nam (quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ…) là điểm yếu thì nay một bức tranh hoàn toàn mới xuất hiện.
Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2019, dự án đã đem lại gần 900 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hơn 500 tiêu chuẩn, xã hội hóa được 12 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn làm theo đặt hàng của các hiệp hội và doanh nghiệp (sử dụng kinh phí của doanh nghiệp). Đây là tín hiệu tốt, cho thấy xã hội quan tâm đến lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hơn 250 tiêu chuẩn do các bộ, ngành xây dựng đã được chuyển tới Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trong đó nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chuẩn, các quy định mới này, các thành viên thực hiện dự án đã chú trọng đến việc phổ biến thông qua các chương trình hướng dẫn trên quy mô toàn quốc. Nhờ vậy, hơn 350 tiêu chuẩn đã được giới thiệu cho hơn 2.000 tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị sẽ buộc phải áp dụng và tuân thủ các quy định đó trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp và sản xuất hàng hóa.
Các kết quả trên phần nào đã cho thấy, Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có một vị trí đặc biệt. Không tác động thẳng đến việc ra đời các sản phẩm mới, các hàng hóa mới của doanh nghiệp như các Chương trình khác nhưng chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” lại tạo dựng một khuôn khổ vững chắc cho các hàng hóa thông qua việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình công cụ cải tiến năng suất và chất lượng ở doanh nghiệp.
Với những ý nghĩa đó, tại Hội nghị ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” diễn ra vào ngày 19/12/2019, nhìn lại những tác động “ngầm” của chương trình sau gần 10 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng: “Khi chúng ta tập trung coi doanh nghiệp là trung tâm và lấy việc hỗ trợ đổi mới của doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách, bằng thúc đẩy áp dụng khoa học và công nghệ, những hoạt động của chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa một cách thiết thực. Sự lan tỏa của những chương trình như vậy đã cho thấy có sự thay đổi và chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.