Làng nghề chuyển mình nhờ nâng cao năng suất, chất lượng

Ánh Dương

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại các làng nghề đã tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả kinh tế.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đã giúp nhiều hộ làm nghề tại các làng nghề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đã giúp nhiều hộ làm nghề tại các làng nghề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động

Tại làng nghề rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài đã mạnh tay đầu tư số vốn lớn để ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Các loại máy móc được doanh nghiệp này đầu tư nhằm phục vụ các công đoạn như: mài, cán thép, dập, cắt gọt kim loại, phay, khoan, khắc chữ... Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên hẳn, trung bình một ngày sản xuất hơn 1.000 con dao các loại.

Để sản phẩm được mọi người biết đến, doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán hàng online, như: shopee, lazada, facebook, tiktok...

Các sản phẩm nghề rèn giới thiệu trên các trang mạng được thiết kế đẹp, đầy đủ thông tin, mẫu mã bắt mắt, thuận tiện cho người mua. Nhờ đó, sản phẩm được đông đảo khách hàng biết đến và tìm mua.

Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi năm công ty thu lãi được khoảng 500 triệu đồng. 

Toàn xã Tiến Lộc có khoảng 1.600 hộ tham gia làm nghề rèn, thu hút khoảng 6.000 lao động. Sản phẩm của làng nghề phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước, từ cày, bừa, cuốc, xẻng, liềm gặt... phục vụ nông nghiệp đến các chi tiết máy phục vụ công nghiệp như nhíp ô tô, bánh máy...

Trước đây, người dân trong xã chủ yếu làm nghề rèn theo phương pháp thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, vất vả. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, máy móc được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ giảm bớt được rất nhiều công đoạn.

Để nghề rèn Tiến Lộc phát triển bền vững, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, còn khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, xã cũng có chính sách phát triển làng nghề hợp lý. Nhờ đó, những năm qua nghề rèn mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo tính toán, mỗi năm tổng doanh thu từ nghề rèn trên địa bàn xã đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Không chỉ tại Tiến Lộc, thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đã giúp cho nhiều hộ làm nghề tại các làng nghề ở các địa phương khác trên cả nước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận do việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mất khá nhiều vốn nên việc tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề còn yếu.

Nhiều doanh nghiêp tại làng nghề bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiến bộ vào sản xuất cho các hộ làm nghề; khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…