Đẩy mạnh xúc tiến du lịch làng nghề truyền thống tại TP. Hà Nội

Hoàng Thị Thu Trang, Lã Tiến Dũng

Làng nghề truyền thống đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Thời gian gần đây, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với sản phẩm của làng nghề truyền thống của Hà Nội là một hướng đi đầy tiềm năng. Tuy nhiên, với cách tổ chức hiện nay, vấn đề phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề còn nhiều hạn chế. Bằng những dữ liệu thu thập được, bài viết làm rõ những cơ sở lý luận, thực trạng về hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề truyền thống tại TP. Hà Nội, trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hiệu quả xúc tiến du lịch của làng nghề truyền thống của TP. Hà Nội trong thời gian sắp tới.

Các làng nghề truyền thống của Hà Nội đã triển khai chiến lược quảng cáo thông qua sản xuất và phát sóng các tác phẩm video giới thiệu về các làng nghề
Các làng nghề truyền thống của Hà Nội đã triển khai chiến lược quảng cáo thông qua sản xuất và phát sóng các tác phẩm video giới thiệu về các làng nghề

Đặt vấn đề

Làng nghề truyền thống là một trong những thế mạnh của Hà Nội. Với số lượng làng nghề truyền thống rất lớn, Hà Nội có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch gắn với một nghề, cũng được coi là một kho tàng văn hóa này. Mặc dù có nhiều tiềm năng và triển vọng, việc phát triển du lịch làng nghề gắn với trải nghiệm vẫn đang còn những vướng mắc nhất định, đặc biệt ở hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề.

Về lý luận, xúc tiến du lịch làng nghề truyền thống là cần thiết, chính là cầu nối để khách du lịch biết đến làng nghề truyền thống và để cho những sản phẩm tại đây đến với tay người tiêu dùng. Đặc biệt, xúc tiến du lịch còn là công cụ quan trọng và cần thiết để khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi làng nghề. Thông qua các hoạt động xúc tiến, những hình ảnh về đất nước, con người điểm đến gắn với làng nghề được xúc tiến rộng rãi, tăng tính thu hút với khách du lịch với sản phẩm đặc biệt này. Về thực tiễn, công tác bảo tồn làng nghề, xây dựng những sản phẩm du lịch gắn với làng nghề, bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm từ làng nghề,… đã được quan tâm. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến, du lịch, đặc biệt lá sử dụng công cụ marketing một cách có hệ thống trong việc tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch làng nghề chưa được quan tâm.

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... du lịch làng nghề đang trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách. Bài viết tập trung trao đổi về thực trạng hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề truyền thống, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hiệu quả xúc tiến du lịch của làng nghề truyền thống của TP. Hà Nội trong thời gian sắp tới.

Cơ sở lý luận

Làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống là thực thể vật chất và tinh thần tồn tại cố định của một hoặc nhiều nghề thủ công truyền thống (Bùi Văn Vượng, 2002). Vì thế, mỗi nghề truyền thống đều được bảo tồn, hoạt động, phát triển ở một làng nghề, một cụm làng nghề, hay ở nhiều làng nghề, vùng nghề trong cả nước, do tính lan tỏa và sức sống mãnh liệt của nghề thủ công lâu đời của Việt Nam. Làng nghề truyền thống là đơn vị làng nghề hội tụ các yếu tố về lịch sử lâu đời của nghề, nghề thủ công truyền thông, quy tụ các đội ngũ nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề, họ có sự liên kết kiểu phường hội hoặc doanh nghiệp, có chung tổ Nghề, các thành ý có ý thức trong việc phát triển và lưu giữ nghề nghiệp của họ.

Xúc tiến du lịch

Xúc tiến du lịch là hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức tuyên truyền, xúc tiến, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch. Xúc tiến du lịch ở các làng nghề truyền thống là hoạt động nghiên cứu thị trường khách du lịch gắn với làng nghề truyền thống, tổ chức tuyên truyền, xúc tiến, vận động tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch có nhu cầu về sản phẩm du lịch làng nghề. Bên cạnh đó, xúc tiến du lịch giúp nâng cao vị thế làng nghề truyền thống, phân biệt làng nghề này với làng nghề khác.

Các công cụ xúc tiến được sử dụng trong xúc tiến du lịch làng nghề gồm có các công cụ phổ biến trong xúc tiến du lịch như: quảng cáo, khuyến mại, bán hàng cá nhân, quan hệ công chúng, marketing trực tiếp. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng các công cụ xúc tiến điện tử như mạng xã hội, website hoặc sử dụng những yếu tố đặc thù như cơ sở vật chất đặc biệt, những nghệ nhân nổi tiếng giúp thu hút khách rất hiệu quả.

Thực trạng xúc tiến du lịch của các làng nghề truyền thống tại Hà Nội

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội (2023), Hà Nội hiện có 806 làng nghề và làng có nghề. Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô. Nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… khi đón nhiều lượt khách trong nước và quốc tế tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm và trải nghiệm dịch vụ tại đây.

Trong những năm vừa qua, các làng nghề truyền thống của Hà Nội đã triển khai chiến lược quảng cáo thông qua sản xuất và phát sóng các tác phẩm video giới thiệu về các làng nghề truyền thống trong Thành phố, được phát sóng trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương. Để quảng bá, làng nghề truyền thống của Hà Nội cũng kết hợp với các làng nghề nghề thống Việt Nam phát trương trình gắn với VTV24, VTC6.

Nhận thức về sự chuyển đổi số có vai trò mạnh mẽ trong quảng bá truyền thông, thời gian qua, chiến lược quảng cáo trên các trang thông tin điện tử đã trở thành một xu hướng phổ biến trong việc xúc tiến về các làng nghề truyền thống của Hà Nội, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận với khách hàng tiềm năng, tạo ra một trải nghiệm tìm kiếm thông tin thuận lợi cho du khách. Website langnghehanoi.gov.vn là nơi du khách có thể truy cập và tìm kiếm thông tin về các dịch vụ cũng như mọi thông tin cần thiết về các làng nghề truyền thống của Hà Nội. Trang thông tin điện tử này được thiết kế với bố cục rõ ràng, hình ảnh bắt mắt và có đấy đủ các thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách để nhanh chóng tìm kiếm thông tin về các làng nghề truyền thống, quận huyện hoặc từ khóa liên quan tại Hà Nội. Ngoài ra, thông tin về du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội cũng được cung cấp trên nhiều trang khác như: vietnambooking.com; mytour.vn; giaoducthudo.giaoducthoidai.vn; Cổng giao tiếp điện tử TP. Hà Nội: https://hanoi.gov.vn/home; Sở Du lịch Hà Nội: https://sodulich.hanoi.gov.vn/…

Một số làng nghề đã thành công dùng cơ sở vật chất như công cụ xúc tiến đặc thù trong quảng bá du lịch. Ví dụ: làng gốm Bát Tràng sử dụng kiến trúc xoáy ốc độc đáo của nghệ thuật gốm ở bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, làng Vạn Phúc với con phố của hàng ngàn chiếc ô lụa, làng nghề Quảng Phú Cầu dùng những bó tăm hương được bó lại với kích thước lớn, đầu chụm vào nhau và chân xoè trong đều như hoa đang nở… Những hình ảnh xúc tiến này có tính lan truyền cao, gây ra những ấn tượng mạnh trong lòng du khách trong nước và quốc tế về làng nghề truyền thống Hà Nội. Có một số làng nghề khá tích cực trong tham gia các Festival để giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề như: làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Phú Vinh...

Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống của TP. Hà Nội vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, bãi thu gom rác thải, nhà hàng, khách sạn, hệ thống chiếu sáng; đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh gia đình, ít quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc để thu hút du khách trở lại. Với đội ngũ cung ứng dịch vụ chưa chuyên nghiệp, thiếu đội ngũ được đào tạo bài bản từ công tác bán hàng và việc sử dụng công cụ xúc tiến thu hút khách nên chưa vận dụng được những công cụ này trong thực tế xúc tiến du lịch cho làng nghề.

Bên cạnh đó, các đề án, chương trình xúc tiến, giới thiệu hình ảnh nhiều làng nghề truyền thống chỉ tập trung vào một vài làng nghề, phạm vi ảnh hưởng nhỏ, đa số chỉ tại địa phương nơi đăng cai tổ chức chương trình. Nhiều kênh truyền thông được sử dụng như video, kênh truyền thông điện tử nhưng chưa đi sâu quảng bá cho các sản phẩm du lịch làng nghề, chủ yếu tập trung giới thiệu về sản phẩm của làng nghề. Các làng nghề truyền thống phát triển không đồng đều, dẫn đến việc phát triển thương hiệu du lịch gặp khó khăn. Hầu như các làng nghề không có công tác nghiên cứu thị trường, chưa xác định đối tượng khách hàng mục tiêu trong xúc tiến nên hiệu quả của công cụ xúc tiến chưa cao.

Giải pháp đẩy mạnh hiệu quả xúc tiến du lịch của làng nghề truyền thống Hà Nội

Để đẩy mạnh hiệu quả xúc tiến du lịch tại các làng nghề truyền thống của Hà Nội ở giai đoạn hiện nay cần chú trọng các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thị trường và xác định khách hàng mục tiêu để nâng cao hiệu quả xúc tiến. Việc tìm hiểu đặc điểm của khách hàng và xác định thị trường khách mục tiêu sẽ giúp các làng nghề sử dụng công cụ xúc tiến phù hợp hơn với đối tượng khách hàng của mình. Với các khách hàng trẻ có thể sử dụng các công cụ xúc tiến điện tử, mạng xã hội để quảng bá hình ảnh.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nhân lực của làng nghề về hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt đội ngũ tham gia cung ứng, bán sản phẩm du lịch. Các làng nghề nên tổ chức các lớp tập huấn hoặc khuyến khích nhân lực tham gia các hoạt động đào tạo về xúc tiến du lịch nhằm nâng cao nhận thức, bổ sung các kiến thức và kỹ năng cho nhân sự làng nghề. Có một đội ngũ nhân sự tốt hơn sẽ giúp tăng cường hiệu quả xúc tiến của từng hộ kinh doanh nói riêng, trong làng nghề truyền thống nói chung.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch xúc tiến ngắn hạn và chiến lược xúc tiến dài cho làng nghề. Mỗi làng nghề căn cứ vào tình hình có thể xây dựng một chiến lược dài hạn trong xúc tiến và cụ thể hóa thành các kế hoạch ngắn hạn theo năm. Căn cứ vào nguồn lực từng giai đoạn và đối tượng khách hàng hướng tới, các làng nghề sẽ xác định các hoạt động xúc tiến trọng điểm theo từng giai đoạn.

Thứ tư, tăng cường vai trò của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội trong hướng dẫn kết nối giữa các đơn vị kinh doanh của từng làng nghề, kết nối giữa các làng nghề truyền thống trong thành phố và ngoài thành phố để quảng bá xúc tiến hình ảnh đến du khách trong nước và thế giới. Với đặc trưng của làng nghề là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh sản phẩm du lịch nên cần có một trung gian kết nối, tạo ra sự cộng hưởng trong quảng bá, xúc tiến nhờ hợp tác truyền thông. Mặt khác, hiệp hội làng nghề sẽ là cầu nối tạo ra không gian chung để chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển và quảng bá du lịch làng nghề.

Kết luận

Du lịch làng nghề là loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống, kết hợp mua sắm những hàng hóa đặc trưng của mỗi làng nghề truyền thống. Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Với những tiềm năng hiện tại, nếu làng nghề truyền thống muốn trở thành một điểm đến du lịch thực sự, coi du lịch là một mũi nhọn trong tiến trình phát triển sản phẩm làng nghề thì cần đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá nhiều hơn. Khi các làng nghề truyền thống có thương hiệu riêng, sản phẩm đặc trưng, công tác quảng bá chuyên nghiệp sẽ tạo ra hiệu quả lớn về mặt kinh tế xã hội rất lớn cho dân cư địa phương cũng như giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bạch Thị Lan Anh (2010), Phát triển làng nghề truyền thống vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Luận án Tiến sỹ, Trường đại học Kinh tế quốc dân;
  2. Lê Hải (2006), Môi trường làng nghề với việc phát triển du lịch bền vững, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 3/2006;
  3. Tạp chí điện tử Làng nghề Việt Nam (2023), Vai trò của hiệp hội làng nghề với việc hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề hà nội và các tỉnh phía Bắc (langngheviet.com.vn);
  4. Tạp chí điện tử Làng nghề Việt Nam (2023), Nâng cao kỹ năng bán hàng online, marketing cho các cơ sở công nghiệp nông thôn làng nghề;
  5. Bùi Văn Vượng (2002), Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024