Nhân rộng phổ biến, áp dụng Kaizen trong doanh nghiệp làng nghề
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những điều chỉnh phù hợp khi đưa các công cụ quản trị tiên tiến, hiện đại như Kaizen vào áp dụng tại các doanh nghiệp làng nghề.
Kaizen được biết tới là một triết lý kinh doanh nổi tiếng của người Nhật đã áp dụng thành công cho nhiều doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới. Tên của nó được ghép từ hai từ trong tiếng Nhật (kai - liên tục và zen - cải tiến), nghĩa là sự cải tiến không ngừng nghỉ.
Một trong những điểm đặc trưng của Kaizen là “tích tiểu thành đại” - một kết quả lớn sẽ được tích lũy bền bỉ theo thời gian từ những thay đổi nhỏ, cải tiến nhỏ. Bởi vậy, Kaizen cần có sự tham gia của tất cả mọi người với tinh thần “bất cứ cái gì cũng có thể cải tiến được”.
Trước kia, Kaizen chủ yếu được áp dụng trong các công ty sản xuất tại Nhật như Toyota, Suzuki, Canon, Honda… Sau đó, Kaizen dần được áp dụng rộng rãi trong mọi công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ, kinh doanh, công nghệ… tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Quá trình cải tiến trong Kaizen thường bắt đầu từ những ý tưởng quy mô nhỏ nhưng mang lại kết quả ấn tượng trong một thời gian dài. Khái niệm này khác biệt với sự đổi mới mà các doanh nghiệp phương Tây thường áp dụng: tạo ra những thay đổi lớn, ưu tiên những đột phá mang tính chất tức thời.
Thời gian qua, 237 doanh nghiệp làng nghề ở 5 làng nghề trong 4 nhóm ngành nghề đã được phổ biến, hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen; 123 doanh nghiệp làng nghề trong 5 làng nghề đã được đào tạo hướng dẫn triển khai Kaizen.
60 doanh nghiệp làng nghề trong số các doanh nghiệp làng nghề tại 5 làng nghề đã được hỗ trợ hướng dẫn xây dựng và áp dụng Kaizen thành công .
Cơ quan quản lý nhà nước đã thúc đẩy áp dụng rộng rãi các công cụ cải tiến Kaizen cho các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam thông qua các hoạt động thông tin, truyền thông chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 541.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động trong nền kinh tế và số lượng các DNNVV chiếm khoảng 96,7% tổng số doanh nghiệp.
Hoạt động của các DNNVV gặp phải nhiều khó khăn như: tiếp cận vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực thiếu và yếu, năng lực cạnh tranh, khả chiếm lĩnh thị trường thấp; trình độ công nghệ thông tin kém.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc triển khai các công cụ quản trị mới trong các doanh nghiệp làng nghề là cần thiết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp làng nghề có nhiều đặc thù nên cần phải có những điều chỉnh phù hợp khi đưa các công cụ quản trị tiên tiến, hiện đại như Kaizen vào áp dụng.
Việc xây dựng một mô hình để giúp các doanh nghiệp làng nghề áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen một cách có hiệu quả được đánh giá là một giải pháp tích cực…