Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2023

PV.

Ngày 12/1/2023, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính ban hành Nghị quyết số 05 -NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023.

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023.
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023.

Nghị quyết nêu rõ, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính 5 năm 2021 - 2025. 

Nhiệm vụ tổng quát của ngành Tài chính trong năm 2023 là xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị của ngành Tài chính trong sạch, vững mạnh. Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, chiến lược ngành Tài chính.

Ngành Tài chính tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục”.

Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng quyết tâm hành động cao nhất theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị ngành Tài chính; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để “biến nguy thành cơ”, kiên quyết khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. 

Đồng thời, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh. 

Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. 

Nhiệm vụ tổng quát khác được đề ra là đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát nêu trên, Nghị quyết đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Cùng với đó, quyết liệt thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính hỗ trợ sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước; tích cực doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao...

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu, Nghị quyết này được phổ biến, quán triệt đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị, cấp ủy Đảng trong toàn ngành Tài chính có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Nghị quyết này, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Kế hoạch hành động phải hoàn thành trước ngày 20/01/2023, trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. 

Các đồng chí thành viên Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính theo nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, giám sát, kiểm tra các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính.

Đảng ủy Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.