Lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo Chuẩn mực kế toán công Việt Nam


Phiên bản Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” được ban hành lần đầu theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, chính thức được áp dụng từ ngày 01/09/2021. Chuẩn mực này được soạn thảo dựa trên Chuẩn mực kế toán công quốc tế số 2 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” và các quy định hiện hành về cơ chế tài chính, ngân sách của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết trao đổi về những vấn đề liên quan đến lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo Chuẩn mực kế toán công Việt Nam và một số vấn đề mà các đơn vị công cần lưu ý trong quá thực hiện Chuẩn mực này.

Ý nghĩa của Chuẩn mực kế toán công Việt Nam “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 02 (VPSAS số 02) được ban hành lần đầu theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng với 4 chuẩn mực kế toán công khác gồm: Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 - Trình bày báo cáo tài chính (BCTC); Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 - Hàng tồn kho; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 - Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31: Tài sản vô hình.

Chuẩn mực VPSAS số 02 quy định những nội dung phù hợp với các quy định pháp lý của Việt Nam hiện hành và các quy định dự kiến có thể được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Chuẩn mực này không quy định những nội dung của Chuẩn mực kế toán công quốc tế số 2 không phù hợp với cơ chế tài chính, ngân sách trong dài hạn của Việt Nam, việc bổ sung quy định sẽ được thực hiện căn cứ tình hình thực tế theo từng giai đoạn phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, mục đích của Chuẩn mực này nhằm hướng dẫn việc cung cấp thông tin về những biến động trong quá khứ liên quan đến tiền và tương đương tiền của đơn vị bằng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong đó các dòng tiền trong kỳ được chia thành hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Để đạt được mục đích trên, Chuẩn mực này xác định: các khoản thu vào bằng tiền, các khoản chi ra bằng tiền trong kỳ báo cáo và số dư tiền tại ngày lập báo cáo. 

Vai trò của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Theo Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) số 2 và Chuẩn mực VPSAS số 02, báo cáo lưu chuyển tiền tệ khi được sử dụng cùng với các BCTC khác sẽ cung cấp thông tin giúp người sử dụng báo cáo có thể đánh giá được những thay đổi của tài sản thuần/vốn chủ sở hữu của đơn vị, cấu trúc tài chính của đơn vị (bao gồm tính thanh khoản và khả năng thanh toán) và khả năng của đơn vị đối với việc tác động đến quy mô, thời gian của các luồng tiền nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của đơn vị.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng giúp nâng cao khả năng so sánh của báo cáo kết quả hoạt động của các đơn vị khác nhau vì nó loại trừ ảnh hưởng của việc sử dụng những phương pháp kế toán khác nhau cho cùng một loại giao dịch và sự kiện (nếu có). Báo cáo lưu chuyển tiền tệ còn cung cấp thông tin cho đơn vị thực hiện trách nhiệm giải trình về các luồng tiền vào và luồng tiền ra trong kỳ báo cáo. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng có thể trợ giúp người sử dụng báo cáo hiểu được mối quan hệ giữa các hoạt động hoặc chương trình của đơn vị và thông tin ngân sách...

Trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Theo Chuẩn mực VPSAS số 02, thông tin về lưu chuyển tiền tệ có thể hữu ích cho người sử dụng BCTC của đơn vị trên các phương diện như: đánh giá các dòng tiền; đánh giá việc tuân thủ pháp luật và quy chế tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ (bao gồm ngân sách được phê duyệt), quyết định về việc có cung cấp nguồn lực hoặc tham gia các giao dịch với đơn vị hay không.

Nhìn chung, người sử dụng báo cáo quan tâm tới cách thức đơn vị tạo ra và sử dụng các khoản tiền và tương đương tiền, bất kể bản chất hoạt động của đơn vị, cho dù các đơn vị là đơn vị hành chính hay đơn vị sự nghiệp. Nói cách khác, các đơn vị cần tiền vì những lý do cơ bản giống nhau cách thức tạo ra nguồn thu của các đơn vị này khác nhau. Các đơn vị cần tiền để chi trả cho các hàng hóa dịch vụ đã tiêu dùng, chi trả cho người lao động, trả nợ và chi trả cho các hoạt động khác. Vì vậy, chuẩn mực VPSAS 02 quy định tất cả các đơn vị phải trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một báo cáo riêng của BCTC.

Các đơn vị trong lĩnh vực công phải trình bày các dòng tiền từ hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất với các hoạt động của mình. Việc phân loại theo hoạt động sẽ cung cấp thông tin giúp cho người sử dụng báo cáo lưu chuyển tiền tệ đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động này lên tình hình tài chính, cũng như lượng tiền và tương đương tiền của đơn vị. Các thông tin này còn có giá trị đối với việc đánh giá mối quan hệ giữa các hoạt động đó. Cụ thể:

- Đối với dòng tiền từ hoạt động thường xuyên:

Các dòng tiền chủ yếu từ hoạt động thường xuyên bao gồm: Tiền thu thuế, phí và tiền phạt; Tiền thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị; Tiền thu từ các khoản viện trợ hoặc các khoản thu chuyển giao, kinh phí nhận từ ngân sách cấp; Tiền thu từ bản quyền, phí, hoa hồng và các khoản doanh thu khác; Chi mua hàng hóa, dịch vụ...

Một số giao dịch, ví dụ như: nhượng bán bất động sản, máy móc và thiết bị, có thể phát sinh lãi hoặc lỗ được tính vào thặng dư hoặc thâm hụt trong kỳ. Luồng tiền từ các giao dịch này được coi là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, tiền chi xây dựng hoặc mua sắm tài sản để cho đơn vị khác thuê lại và sau đó được đem bán là luồng tiền từ hoạt động thường xuyên. Các khoản tiền thu từ cho thuê và bán các tài sản này cũng là luồng tiền từ hoạt động thường xuyên.

Các đơn vị phải báo cáo lưu chuyển tiền từ hoạt động thường xuyên theo một trong các phương pháp sau: Phương pháp trực tiếp (trình bày các luồng tiền thu vào và chi ra từ hoạt động thường xuyên của đơn vị); hoặc Phương pháp gián tiếp (thặng dư hoặc thâm hụt được điều chỉnh cho ảnh hưởng của các giao dịch không bằng tiền; bất kỳ khoản ghi nhận hoãn lại hoặc dồn tích của các khoản thu hoặc chi trong quá khứ hoặc tương lai và các khoản doanh thu hoặc chi phí gắn liền với hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính).

Tuy nhiên, Chuẩn mực VPSAS số 02 khuyến khích đơn vị báo cáo về luồng tiền từ hoạt động thường xuyên theo phương pháp trực tiếp bởi phương pháp này cung cấp thông tin hữu ích trong việc ước tính các luồng tiền tương lai và cả các thông tin mà phương pháp gián tiếp không cung cấp được.

- Đối với dòng tiền từ hoạt động đầu tư:

Theo Chuẩn mực VPSAS số 02, việc trình bày riêng biệt các luồng tiền từ hoạt động đầu tư rất quan trọng vì các luồng tiền này phản ánh luồng tiền chi ra cho các nguồn lực dự kiến sẽ đóng góp vào các hoạt động trong tương lai của đơn vị. Chỉ có các luồng tiền được chi ra để hình thành các tài sản được ghi nhận trên báo cáo tình hình tài chính của đơn vị mới đủ tiêu chuẩn để xếp vào hoạt động đầu tư.

- Đối với dòng tiền từ hoạt động đầu tư tài chính:

Việc trình bày riêng biệt các dòng tiền từ hoạt động tài chính rất quan trọng vì nó hữu ích trong việc dự đoán khả năng thu hồi các dòng tiền trong tương lai của các bên đã cấp vốn cho đơn vị. Ví dụ về các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động tài chính gồm: Tiền thu từ phát hành giấy nhận nợ, các khoản vay, trái phiếu, các khoản vay có thế chấp, các khoản vay ngắn hạn và dài hạn khác; Tiền chi trả nợ vay; Tiền chi của bên đi thuê thanh toán để giảm dư nợ liên quan đến thuê tài chính.

Đơn vị phải trình bày riêng biệt các chỉ tiêu chủ yếu về tổng các khoản thu vào, tổng các khoản chi ra phát sinh từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính, trừ các dòng tiền được báo cáo trên cơ sở thuần như được đề cập tại đoạn 29 và 32 của Chuẩn mực VPSAS số 02. Đơn vị có thể báo cáo trên cơ sở thuần các dòng tiền phát sinh từ hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính gồm: Thu hộ và chỉ hộ các đối tượng có giao dịch, người nộp thuế, hoặc các bên thụ hưởng khác; Thu tiền và chi tiền đối với các khoản có vòng quay nhanh, số tiền lớn và thời gian đáo hạn ngắn. Ngoài ra, các dòng tiền phát sinh từ các hoạt động sau đây của tổ chức tài chính công có thể được báo cáo trên cơ sở thuần: Các khoản nhận và thanh toán tiền gửi có kỳ hạn với ngày đáo hạn cố định; Các khoản tiền gửi vào và rút ra từ các tổ chức tài chính khác; Các khoản ứng trước, cho vay và hoàn ứng, thu hồi nợ vay đối với khách hàng và các đối tác giao dịch khác...

Một số lưu ý

Về nội dung trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Cần lưu ý rằng, một giao dịch đơn lẻ có thể liên quan đến các luồng tiền ở nhiều hoạt động khác nhau. Chẳng hạn, khi thanh toán khoản vay bao gồm cả gốc và lãi thì khoản tiền lãi có thể được phân loại vào hoạt động thường xuyên còn khoản vay gốc được phân loại vào hoạt động tài chính của đơn vị.

Các dòng tiền phát sinh từ thuế thu nhập doanh nghiệp phải được trình bày riêng biệt và phân loại thuộc hoạt động thường xuyên của đơn vị, trừ khi có cơ sở rõ ràng để phân loại vào hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư.

Các dòng tiền liên quan đến lãi vay và cổ tức hoặc các khoản tương tự đơn vị đã nhận được và đã chi trả phải được trình bày riêng biệt. Mỗi khoản mục này được phân loại thuộc hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính một cách nhất quán giữa các kỳ báo cáo. Đối với tổ chức tài chính công, lãi vay đã trả, lãi vay và cổ tức hoặc các khoản tương tự đã nhận thường được phân loại là luồng tiền từ hoạt động thường xuyên.

Tuy nhiên, không có sự thống nhất về cách phân loại các dòng tiền này đối với các đơn vị khác. Đơn vị có thể phân loại lãi vay đã trả, lãi vay và cổ tức hoặc các khoản tương tự đã nhận là các luồng tiền từ hoạt động thường xuyên vì chúng tham gia vào việc xác định thặng dư hoặc thâm hụt trong kỳ. Ngoài ra, lãi vay đã trả, lãi vay và cổ tức hoặc các khoản tương tự đã nhận cũng có thể được phân loại là dòng tiền từ hoạt động tài chính hoặc hoạt động đầu tư vì đó là chi phí huy động nguồn lực tài chính hoặc thu nhập từ khoản đầu tư.

Cổ tức hoặc các khoản tương tự đã trả có thể được phân loại là luồng tiền từ hoạt động tài chính vì đó là chi phí huy động nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cổ tức hoặc các khoản tương tự đã trả cũng có thể được phân loại là luồng tiền từ hoạt động thường xuyên nhằm giúp người sử dụng báo cáo đánh giá được khả năng của đơn vị chi trả các khoản này từ luồng tiền từ hoạt động thường xuyên.

Các giao dịch đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền hoặc tương đương tiền không được trình bày tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Đơn vị cần trình bày về các giao dịch này tại BCTC đảm bảo cung cấp thông tin phù hợp cho người sử dụng báo cáo về các hoạt động đầu tư và tài chính đó.

Đơn vị phải trình bày các thành phần của tiền và tương đương tiền trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ và phải đối chiếu số liệu trên báo cáo này với các khoản mục tương đương trên báo cáo tình hình tài chính. Do các phương thức quản trị tiền và cơ chế giao dịch ngân hàng rất đa dạng, để phù hợp với Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày BCTC”, đơn vị phải trình bày thông tin về chính sách kế toán được áp dụng để xác định các chỉ tiêu chi tiết của tiền và tương đương tiền của đơn vị mình.

Về thuyết minh báo cáo

Đơn vị phải thuyết minh, cùng với giải trình của lãnh đạo đơn vị tại Thuyết minh BCTC về giá trị khoản tiền và tương đương tiền lớn. Bởi thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, đơn vị nắm giữ một lượng tiền và tương đương tiền nhưng đơn vị kinh tế không được sử dụng số tiền này. Ví dụ như các khoản tiền và tương đương tiền nắm giữ bởi một đơn vị chịu kiểm soát ngoại hối chặt chẽ hoặc pháp luật hạn chế không cho phép đơn vị kiểm soát hoặc các đơn vị chịu kiểm soát khác trong đơn vị kinh tế sử dụng số tiền này theo cách thông thường.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán sửa đổi năm 2015;

2. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021 công bố 5 Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam (VPSAS) đợt 1;

3. Bộ Tài chính (2021), Chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS) số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”.

* ThS. Phan Thị Thu Hiền  - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - Tháng 6/2022