Lập hồ sơ tài sản đối với toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch

Gia Hân

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 73/2022/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Thông tư quy định rõ nguyên tắc, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch phải được lập hồ sơ tài sản để quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là tài sản cố định do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là tài sản cố định do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Theo Thông tư số 73/2022/TT-BTC, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là tài sản cố định (gọi là tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch) do Nhà nước đầu tư, quản lý giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP. Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch bao gồm: tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung; tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị.

Quy định về tiêu chuẩn nhận biết tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, Thông tư số 73/2022/TT-BTC nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là một hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh hoặc từng tài sản độc lập thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn là tài sản cố định có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên và có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên.

Về nguyên tắc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, Thông tư số 73/2022/TT-BTC quy định, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch phải được lập hồ sơ tài sản để quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan. Mỗi một tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là một đối tượng ghi sổ kế toán. Kế toán tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch phải phản ánh, ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại, hao mòn/khấu hao của tài sản.

Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch có trách nhiệm lập thẻ tài sản, hạch toán kế toán đối với toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch được giao quản lý theo quy định của chế độ kế toán hiện hành. Đồng thời, thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm; thực hiện điều chỉnh số liệu kế toán nếu có chênh lệch phát sinh khi thực hiện kiểm kê.

Thông tư số 73/2022/TT-BTC cũng nêu rõ, đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch không còn nhu cầu sử dụng nhưng chưa tính đủ hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị theo quy định thì cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản tài sản theo quy định hiện hành và tính hao mòn cho đến khi được xử lý theo quy định.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn tiếp tục sử dụng được thì cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, sử dụng, theo dõi, bảo quản tài sản theo quy định hiện hành và không phải tính hao mòn, trích khấu hao.

Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch thì cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi và tính hao mòn tài sản theo quy định tại Thông tư này trong thời gian cho thuê quyền khai thác.

Trường hợp chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch thì trong thời gian chuyển nhượng, cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản (bên chuyển nhượng) có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng theo quy định pháp luật và Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Ngoài ra, tại Thông tư số 73/2022/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng đã quy định rõ cách xác định nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch; nguyên tắc tính hao mòn, trích khấu hao tài sản; phương pháp tính hao mòn, khấu hao...

Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo quy định tại Thông tư số 73/2022/TT-BTC. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh, báo cáo về Bộ để phối hợp xử lý.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2023 và được áp dụng từ năm tài chính 2023.