Lập kế hoạch chiến lược trong kiểm toán hoạt động

Vũ Thị Thanh Hải

(Tài chính) Kế hoạch chiến lược (KHCL) là một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý hoạt động kiểm toán hoạt động (KTHĐ) của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). KTHĐ cần nhằm vào những lĩnh vực mà cuộc kiểm toán được coi là có giá trị thúc đẩy tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mục tiêu của lập KHCL trong KTHĐ

KTNN phải cân nhắc thật kỹ lưỡng khi lựa chọn nội dung, chủ đề các cuộc KTHĐ. Điều này sẽ giúp ích trong việc xác định các trọng tâm ưu tiên và lựa chọn các khả năng. Việc lựa chọn các lĩnh vực kiểm toán không phải chịu một áp lực nào từ bên ngoài. KHCL đưa ra những quyết định mang tính chiến lược về định hướng kiểm toán trong tương lai, giúp KTNN xác định thứ tự ưu tiên và lựa chọn các lĩnh vực, chủ đề, vấn đề sẽ được KTHĐ.

Thông thường, hoạt động lập KHCL đưa lại một chương trình kiểm toán chặt chẽ và thuyết phục cho các KTNN. Chương trình này liệt kê các lĩnh vực kiểm toán và nêu tóm tắt những vấn đề tạm thời đã phát hiện, các câu hỏi cũng như lập luận lý giải cho từng lĩnh vực, đồng thời đóng vai trò là cơ sở để KTNN lập kế hoạch tác nghiệp và phân bổ nguồn lực. Bên cạnh đó, lập KHCL cũng giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của chính các KTNN.

Trình tự lập KHCL

Các KTNN nói chung luôn phải đưa ra những quyết định về lựa chọn đối tượng, chủ đề kiểm toán trên cơ sở cân đối giữa lợi ích, tính cấp thiết của cuộc kiểm toán và nguồn lực để thực hiện kiểm toán. Giới hạn về thời gian, nhân sự, tài chính không cho phép KTNN kiểm toán tất cả các chương trình, dự án, tổ chức. Do đó, sự lựa chọn chương trình, dự án, tổ chức đơn vị được kiểm toán là một công việc mang tính then chốt mà các KTNN phải thực hiện.

Công việc này được thực hiện trên cơ sở phân tích khả năng của tình trạng hoạt động kém hiệu quả, thiếu tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của chương trình, dự án, tổ chức đơn vị, từ đó xây dựng được danh sách các chủ đề có thể sẽ được tiến hành kiểm toán. Các chủ đề sau khi được nhận định sẽ được xếp hạng theo các tiêu chí nhất định nhằm đưa ra quyết định cuối cùng về chủ đề được kiểm toán.

Việc lập KHCL được tiến hành theo các bước như sau:

(1). Xác định những lĩnh vực kiểm toán tiềm tàng và xác lập các tiêu chí cho những lựa chọn đó. Các tiêu chí lựa chọn có thể bao gồm, nhưng không giới hạn các tiêu chí sau:

Giá trị gia tăng tạo ra từ cuộc kiểm toán: Vấn đề quan trọng nhất trong việc đưa ra quyết định cuối cùng về chủ đề được kiểm toán là giá trị mang lại mong đợi từ cuộc kiểm toán. Các ích lợi có thể có từ cuộc kiểm toán thường liên quan đến tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chất lượng của dịch vụ, kiểm soát quản lý và tính trách nhiệm.

Quy mô tài chính: Dựa trên đánh giá về tổng giá trị tài sản, chi phí hoặc doanh thu hàng năm của đơn vị, tổ chức; mức kinh phí tiêu dùng của chương trình dự án. Quy mô tài chính tỷ lệ thuận với khả năng chủ đề sẽ được lựa chọn là chủ đề kiểm toán cuối cùng.

Rủi ro quản lý: Kiểm toán viên sẽ đánh giá rủi ro của việc quản lý hoạt động không đạt được tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực. Biểu hiện của những rủi ro này có thể là việc không phản ứng hoặc phản ứng chậm của nhà quản lý trước những tồn tại đã được nhận định của hệ thống; thông tin nhận định, bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước; không đạt được mục tiêu đặt ra của tổ chức, chương trình, dự án; kéo dài hoặc mở rộng phạm vi chương trình, dự án một cách bất thường; quan hệ chồng chéo trong trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Tầm quan trọng của hoạt động được kiểm toán đối với các hoạt động của khách thể kiểm toán: Tiêu chí này liên quan tới mức độ ảnh hưởng của cuộc kiểm toán tới hoạt động của tổ chức được kiểm toán. Tầm quan trọng sẽ được đánh giá là “cao” nếu chủ đề có vai trò quan trọng đặc biệt đến khách thể kiểm toán và nếu sự cải thiện do hoạt động kiểm toán mang lại sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của khách thể kiểm toán. Tầm quan trọng sẽ được đánh giá là “thấp” nếu hoạt động được kiểm toán chỉ là hoạt động mang tính chất thủ tục, thường xuyên.

Tầm nhìn, sự nhạy cảm chính trị hay tầm quan trọng quốc gia của chủ đề kiểm toán:  Tiêu chí này cũng tương tự như tiêu chí tầm quan trọng của hoạt động được kiểm toán với các hoạt động của khách thể kiểm toán, tuy nhiên nó quan tâm nhiều hơn tới các tác động ra bên ngoài của chương trình. Tiêu chí này liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường của hoạt động và tầm quan trọng của hoạt động đối với chính phủ và công chúng.

Hoạt động thanh, kiểm tra đã thực hiện: Các hoạt động thanh, kiểm tra không chỉ bao gồm các cuộc kiểm toán đã được thực hiện bởi KTNN mà còn bao gồm các cuộc thanh tra, kiểm tra, soát xét được tiến hành bởi các tổ chức độc lập khác như kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, thanh tra chính phủ… Nhìn chung, chủ đề kiểm toán sẽ được đánh giá xếp hạng là ‘thấp” nếu như đã có một số cuộc thanh, kiểm tra được tiến hành trong vòng hai năm trở lại. Chủ đề sẽ được đánh giá xếp hạng là “cao” nếu một cuộc theo dõi kiểm tra thực hiện kiến nghị đã được yêu cầu phải thực hiện hoặc các cuộc thanh, kiểm tra trước đó cho rằng việc theo dõi kiểm tra thực hiện kiến nghị nên được tiến hành.

Khả năng kiểm toán: Tiêu chí này liên quan đến khả năng tiến hành cuộc kiểm toán của KTNN trong mối quan hệ với việc đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp. Trên thực tế, KTNN có thể quyết định không kiểm toán một chủ đề mặc dù chủ đề đó được coi là quan trọng, trọng yếu. Nguyên nhân của quyết định không kiểm toán có thể bắt nguồn từ các lý do như: không có hoặc không thể thuê được chuyên gia phù hợp; chương trình, dự án đang trong quá trình có những thay đổi cơ bản, quan trọng; không có tiêu chí đánh giá hoạt động phù hợp…

(2) Xếp hạng các chủ đề đã được xác định nhằm quyết định chủ đề sẽ được tiến hành kiểm toán. Bước này thường sử dụng phương pháp chấm điểm (scoring matrix). Việc chấm điểm dựa trên 3 phương diện chính, bao gồm đánh giá các yếu tố nội bộ, đánh giá các yếu tố bên ngoài và đánh giá một số vấn đề cụ thể:

Đánh giá nội bộ tập trung vào các khía cạnh như xác định các lĩnh vực chứa đựng rủi ro cao, có tầm quan trọng cần được kiểm toán thường xuyên; lĩnh vực, chủ đề hay đơn vị được kiểm toán có được KTHĐ trong thời gian gần đây hay không (các vấn đề được kiểm toán trong thời gian cách đây càng lâu thì nay lựa chọn để thực hiện kiểm toán càng mang lại tác dụng lớn).

Đánh giá các yếu tố bên ngoài hướng vào đánh giá tác động môi trường/xã hội và quy mô, phạm vi ảnh hưởng của vấn đề tới xã hội (nhìn nhận xem liệu vấn đề có tác động tích cực tới danh tiếng và tình trạng của KTNN; được sự quan tâm đặc biệt từ phía Quốc hội; có ảnh hưởng rộng rãi tới công chúng; tác động lớn đối với môi trường, xã hội...); liệu vấn đề được kiểm toán có mang tính phổ biến đối với các lĩnh vực và cấp độ khác nhau của Chính phủ; liệu có các tồn tại, hạn chế đã được nhận biết liên quan đến vấn đề, hoạt động được kiểm toán hay không?

Các vấn đề cụ thể cần được đánh giá khi chấm điểm xếp hạng chủ đề kiểm toán thường tập trung vào quy mô ngân sách được sử dụng; tính khả thi về thời gian tiến hành kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán; sự hiện hữu của dữ liệu, tài liệu kiểm toán và tính khả thi trong việc thu thập thông tin; sự quan tâm, ủng hộ đối với cuộc kiểm toán của các bên liên quan như đơn vị được kiểm toán, các Ủy ban liên quan của Quốc hội...

Tùy theo năng lực và kinh nghiệm của từng KTNN, đặc điểm môi trường kinh tế, xã hội cụ thể của mỗi quốc gia mà 3 nhóm phương diện trên sẽ được phân chia tỷ trọng cụ thể khi chấm điểm, đồng thời các vấn đề trong từng phương diện sẽ được quy định thang điểm cụ thể. Ví dụ như hướng dẫn thực hành KTHĐ của một số KTNN đánh giá tỷ trọng tương ứng với các yếu tố nội bộ, các yếu tố bên ngoài và các vấn đề cụ thể lần lượt là 10%, 50% và 40%; Thang điểm được sử dụng thường là 3, 2, 1 tương ứng với các mức độ đánh giá là cao, trung bình và thấp. Tổng điểm, theo thứ tự giảm dần từ cao đến thấp, sẽ là cơ sở để xác định thứ tự ưu tiên của các chủ đề kiểm toán.

(3) Xây dựng bản KHCL về KTHĐ trên cơ sở các chủ đề kiểm toán được ưu tiên lựa chọn cùng với nguồn lực hiện có và cả dự kiến của KTNN. Nguồn lực của KTNN, đặc biệt là số lượng và trình độ đội ngũ kiểm toán viên KTHĐ, là một trong các yếu tố quan trọng cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi xây dựng KHCL. Các cuộc kiểm toán được xác định trong KHCL cần phải được đề xuất thực hiện trong vòng từ 2 đến 5 năm tới.

(4) Bản KHCL về KTHĐ sau khi được lãnh đạo KTNN phê duyệt nên được gửi tới Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của KTNN. Bên cạnh đó, để tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của mình, KTNN cũng nên công bố công khai kế hoạch này thông qua website của mình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các kiểm toán viên KTHĐ cũng cần được cung cấp và phổ biến về bản KHCL để có thể nắm được đồng thời chuẩn bị cho các công việc liên quan đến KTHĐ của KTNN.

Áp dụng KHCL vào kiểm toán hoạt động của KTNN Việt Nam

Thực tiễn hoạt động của KTNN hiện nay đã có bóng dáng của việc xây dựng và thực hiện KHCL, đó chính là xây dựng kế hoạch kế hoạch kiểm toán trung hạn (3 năm). Việc xây dựng kế hoạch trung hạn mới được KTNN thực hiện từ năm 2012 và áp dụng chung cho tất cả các loại hình kiểm toán bao gồm kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, KTHĐ và kiểm toán lồng ghép. Cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch trung hạn chủ yếu dựa trên văn bản hướng dẫn và định hướng của Tổng KTNN áp dụng cho từng giai đoạn cụ thể.

Trong thời gian tới, cùng với việc nghiên cứu và soạn thảo chuẩn mực KTHĐ hiện đang được triển khai, KTNN cần chú trọng hơn nữa vai trò của công tác lập KHCL trong KTHĐ, ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể đối với quy trình, phương pháp và công cụ thực hiện để xây dựng KHCL KTHĐ. Các hướng dẫn về lập KHCL KTHĐ, kinh nghiệm của các KTNN có bề dày phát triển về KTHĐ cần được nghiên cứu, xem xét trong bối cảnh cơ sở pháp lý, môi trường cho hoạt động KTNN ở Việt Nam và thực trạng nguồn lực của KTNN để có thể xây dựng được quy trình, hướng dẫn lập KHCL có cơ sở khoa học, thực tiễn và có tính khả thi cao.

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 2 - 2014