Tái cơ cấu ngành trồng trọt:

“Lấy nông dân làm chủ thể, doanh nghiệp làm đầu mối dẫn dắt”

PV.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương cùng thực hiện Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, theo phương châm lấy nông dân làm chủ thể, lấy doanh nghiệp (DN) làm đầu mối dẫn dắt nông dân phát triển, tăng cường liên kết tổ chức lại sản xuất. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã cho biết như vậy khi trao đổi với chúng tôi về quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện Quyết định số 899 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch hành động chỉ đạo toàn ngành từ Trung ương đến địa phương tích cực triển khai thực hiện Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Sau hơn một năm thực hiện, ông có thể cho biết một số kết quả quan trọng mà chương trình đã đạt được?

“Lấy nông dân làm chủ thể, doanh nghiệp làm đầu mối dẫn dắt” - Ảnh 1

Ông Ma Quang Trung

Sau hơn một năm triển khai xây dựng kế hoạch triển khai tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, ở cấp Trung ương, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030 và đã phê duyệt 10 dự án, đề án về quy hoạch lĩnh vực trồng trọt. Từ nay, đến cuối năm 2015, sẽ phê duyệt 7 dự án.

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu đã lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để thực hiện tái cơ cấu. Theo đó, chúng tôi đã lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để xây dựng đề án tái cơ cấu như: lúa gạo, cà phế, điều và một số sản phẩm khác để xây dựng đề án. Trên cơ sở đó, thành lập ban chỉ đạo xây dựng cơ chế, thể chế để tổ chức thực hiện các đề án này.

Hiện, Bộ đang hoàn thiện Đề án sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; đề án sản phẩm quốc gia nấm ăn và nấm dược liệu.

Ở cấp địa phương, đến nay tất cả các tỉnh đã xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và phê duyệt đề án (kế hoạch hoặc Nghị quyết), tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó có lĩnh vực trồng trọt; có 22 tỉnh đã xây dựng nhưng chưa phê duyệt. Tỉnh Đồng Tháp được lựa chọn là tỉnh thí điểm của Ban chỉ đạo Trung ương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, năm 2014-2015 đã ưu tiên dành kinh phí cho các đề tài, đề án quan trọng như: tái canh cà phê, thâm canh điều, chọn tạo giống lúa chất lượng cao, chọn tạo giống ngô và biện pháp kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở ĐBSCL; các dự án khuyến nông trọng điểm như: trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi, sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL, tái canh cây cà phê, điều, cây hồ tiêu, cây thanh long; đã công nhận và đưa vào sản xuất 4 giống ngô chuyển gen.

Kinh phí khoa học do Bộ NN&PTNT quản lý đầu tư cho lĩnh vực trồng trọt. Năm 2013, 80,33 tỷ đồng; Năm 2014, 82,77 tỷ đồng; Năm 2015, 86,46 tỷ đồng đầu tư cho 95 đề tài cấp bộ và 35 dự án khoa học.

Có thể nói, hơn một năm thực hiện đã bước đầu đạt kết quả nhất định. Một số ngành hàng được tích cực chỉ đạo thực hiện. Một số vấn đề đã khơi thông như nâng cao về chất lượng, đặc biệt là giải quyết vấn đề thị trường. Tuy nhiên, những tồn tại bất cập còn nhiều.

Theo ông đâu là bất cập lớn nhất của kế hoạch triển khai tái cơ cấu?

Làm thế nào để hiểu tái cơ cấu đúng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng là một vấn đề rất quan trọng. Vì có hiểu đúng thì việc xây dựng đề án và tổ chức thực hiện mới chính xác. Hiện nay có 41 tỉnh xây dựng đề án, trong đó 22 tỉnh xây dựng đề án mà chưa được phê duyệt. Các tỉnh đang lúng túng. Thậm chí, một số tỉnh đã được phê duyệt nhưng trong quá trình thực hiện, qua kiểm tra của Bộ vẫn chưa sát với đề án đã xây dựng.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp gì nhằm đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành trồng trọt được đồng bộ, đạt hiệu quả cao, thưa ông?

Tới đây Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo, làm rõ tư tưởng cách tiếp cận trong việc tái cơ cấu ngành trồng trọt là tăng trưởng mạnh hơn và duy trì được tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững.

Để đạt được điều đó công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ngành, người dân và doanh nghiệp rất cần thiết. Song song đó, tiếp tục rà soát lại các đề án đã xây dựng và xây dựng đề án mới. Hiện nay còn nhiều sản phẩm chủ lực đang tiếp tục được lựa chọn để triển khai đề án. Theo đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các ngành hàng đã phê duyệt thành đề án. Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng KHKT, công tác khuyến nông, đào tạo nghề cho người dân, tổ chức thực hiện bằng được đề án các sản phẩm chủ lực.

Trên cơ sở các biện pháp đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương cùng thực hiện, lấy nông dân làm chủ thể, lấy DN làm đầu mối dẫn dắt nông dân phát triển, tăng cường liên kết tổ chức lại sản xuất.

Tất cả các vấn đề trên, hiện nay, đang được Bộ đặt ra để giai đoạn 2016-2020 việc triển khai tái cơ cấu ngành trồng trọt được đồng bộ hơn và đạt kết quả cao hơn, khắc phục những tồn tại hiện nay.

Xin cảm ơn ông!