Liên kết là “trụ cột” để phát triển bền vững
Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tạo động lực để đưa vùng đất miền Tây Nam bộ lên tầm cao mới trong khát vọng và đột phá về phát triển bền vững. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự liên kết vùng tại ĐBSCL thời gian qua trong phát triển kinh tế ?
Ông Đồng Văn Thanh: Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đặt mục tiêu tăng cường liên kết vùng, hình thành các tiểu vùng sinh thái trong ĐBSCL để làm định hướng phát triển. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn hiện tại là việc chưa cụ thể hóa các giải pháp về mặt tổ chức vùng và cơ chế phối hợp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau.
Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đề ra đường hướng hoạt động và thực thi các quyết định của vùng. Việc thiếu luật hóa các quy định về tổ chức chính quyền cấp vùng hoặc về tổ chức liên kết vùng và cơ chế ngân sách phù hợp là những trở ngại trong triển khai liên kết vùng của ĐBSCL.
Bên cạnh đó, sự tương đồng về cấu trúc kinh tế và sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh ĐBSCL vô hình trung là trở ngại cho việc liên kết vùng. Các hoạt động thực tiễn trong liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm thực tế rất ít.
Việc các địa phương chuyên môn hóa vào các cụm ngành có lợi thế so sánh, liên kết và cùng phát triển là một xu thế tất yếu khi hạ tầng kết nối giao thông thông suốt và nền kinh tế ĐBSCL vươn lên mức phát triển cao hơn, các mô hình tổ chức chuỗi giá trị được nâng cấp. Điều này tạo ra các tiềm năng cho Hậu Giang trong phát triển kinh tế, bởi tỉnh nhà có những thế mạnh về vị trí mà các nơi khác không có, nhưng đồng thời, chúng ta cũng không có những lợi thế về tài nguyên mà các khu vực khác của ĐBSCL sẵn có.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng tỉnh Hậu Giang cần đặt mình trong liên kết chung với vùng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?
Ông Đồng Văn Thanh: Trước hết có thể nói, vùng ĐBSCL nói chung và tiểu vùng Nam sông Hậu nói riêng có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản nhưng đang đứng trước thách thức lớn của đại dịch COVID-19. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ, tôi cho rằng, để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, các tỉnh, thành trong vùng cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong phòng chống dịch, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ.
Vấn đề đánh giá, vừa qua ở các tỉnh ĐBSCL tại sao mình khó khăn? Tại sao mình phát triển chậm? Trong khi nếu so về vị trí, dân số, điều kiện khí hậu thì một số tỉnh, thành bạn lại không có lợi thế như mình. Chúng ta đều thấy, vấn đề cốt lõi ở đây chính là việc cần phải đẩy mạnh liên kết vùng, phải liên kết giữa các tỉnh với nhau để cùng phát triển những lợi thế của nhau. Cùng hỗ trợ nhau tháo gỡ những khó khăn của các tỉnh chúng ta khi chúng ta đi vào việc hội nhập quốc tế, hội nhập khu vực.
Phóng viên: Sau cuộc họp ngày 19/10 vừa qua, về liên kết phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 ở 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu, mối liên kết giữa các địa phương đã có những chuyển biến như thế nào, thưa ông ?
Ông Đồng Văn Thanh: - Chúng tôi đã có những chuyển biến, cũng tương đối thấy rõ. Một là thống nhất đề xuất với Trung ương để quan tâm đầu tư cho các tỉnh ĐBSCL một cách đồng bộ, nhất là đầu tư cho hạ tầng.
Đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, đặc biệt vừa rồi chúng tôi liên kết với nhau trong vấn đề phòng, chống dịch COVID-19. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn của từng địa phương và cùng liên kết với nhau để giải quyết những khó khăn đó.
Phóng viên: Trong mối liên kết giữa các tỉnh, thành, nhiều ý kiến cho rằng nên chia sẻ những cái mình có cũng như thế mạnh để cùng phát triển. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao ?
Ông Đồng Văn Thanh: Từ trước đến nay, về kinh tế thì mỗi tỉnh tự “bơi” nên sự phát triển của khu vực không vững chắc. Trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản cũng không có tiếng nói chung, không có người chủ trì đứng ra liên kết để đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương, hay nói cách khác, các tỉnh, thành như đang đi chung trên một con tàu nhưng chưa có thuyền trưởng điều phối. Nếu tình hình này kéo dài thì kinh tế của vùng sẽ ngày càng đi xuống và thua sút những khu vực khác trong cả nước.
Tôi thấy rằng, vừa qua, các tỉnh đã ngồi lại với nhau và bước đầu thể hiện được tinh thần, thiện chí anh em cùng hỗ trợ nhau, có những tín hiệu khả quan. Từ liên kết tiểu vùng sẽ tiến tới liên kết cả khu vực ĐBSCL và cả nước. Các tỉnh sẽ bổ sung những khiếm khuyết của nhau, khi tỉnh này thiếu, tỉnh kia thừa thì “người anh cả”, “chim đầu đàn TP. Cần Thơ” sẽ đứng ra kết nối để điều phối.
Từ sự thống nhất với nhau về mặt quan điểm, cách làm thì những công việc sau này sẽ rất thuận lợi, tạo điều kiện để mỗi địa phương liên kết, phát triển. Để thực hiện điều này rất khó nhưng là cách làm tốt và rất quan trọng, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu hồi đầu năm nay: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau.
Một tín hiệu tích cực là sau hội nghị về liên kết phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 ở 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu, TP. Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh dự thảo chương trình liên kết 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu để tiến hành ký kết và thực hiện.