Liệu ông Trump có làm suy yếu đồng USD?

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Những bình luận gần đây của ông Trump đã làm dấy lên đồn đoán ông có thể yêu cầu bán đồng USD, nhất là khi đồng tiền này đang ở sát mức đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ và theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết hôm thứ Tư (18/7), nó đang được định giá cao ít nhất là 6%.

Việc can thiệp để giảm giá đồng USD có thể châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ.
Việc can thiệp để giảm giá đồng USD có thể châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ.

Muốn là một chuyện…

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn muốn đồng đôla Mỹ rẻ hơn. Ông đã phát biểu hồi đầu tháng này rằng nước Mỹ nên ứng xử phù hợp với điều mà ông nói là các quốc gia khác đang cố gắng làm suy yếu đồng tiền của họ để tạo lợi thế thương mại không công bằng. Thời gian gần đây ông cũng liên tục chỉ trích Fed vì tăng lãi suất, phàn nàn rằng lãi suất cao đang kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

 Về lý thuyết, một đồng đôla yếu hơn có thể giúp hàng xuất khẩu của Mỹ cạnh tranh hơn, qua đó thúc đẩy nền kinh tế và có khả năng giúp ông Trump tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2020.

Tuy nhiên ngay cả khi Fed được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất ngay tại cuộc họp chính sách diễn ra cuối tháng 7 này, động thái đó cũng không có khả năng làm suy yếu đồng đôla đến mức mà ông Trump mong muốn. Bởi vậy, thị trường đang đồn đoán, Bộ Tài chính Mỹ có thể bán đồng USD trong kho dự trữ mà cơ quan này đang nắm giữ và mua vào ngoại tệ khác để làm đồng bạc xanh suy yếu  hơn nữa.

“Các điều kiện dường như ngày càng thuận lợi cho phép chính quyền Mỹ can thiệp chống lại việc định giá (đồng đôla) quá cao”, các nhà kinh tế của Citi cho biết hôm thứ Tư. Trong khi Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về việc liệu họ có đang xem xét các biện pháp can thiệp.

Hiện hầu hết các khoản dự trữ trị giá 126 tỷ USD của Mỹ đều được đặt trong Quỹ Ổn định hối đoái (Exchange Stabilization Fund - ESF) do Bộ Tài chính quản lý. Nhưng nếu Washington hành động đơn phương, họ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ và nếu điều này xảy ra thì chừng đó có thể không đủ để Mỹ giành chiến thắng.

“Có rất nhiều quỹ phòng hộ còn có nhiều hơn thế”, Paul Ashworth - một nhà kinh tế tại Capital econom cho biết. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang có 3,1 nghìn tỷ USD dự trữ. Bên cạnh đó là khoảng 5 nghìn tỷ USD đang được giao dịch trên thị trường tiền tệ thế giới.

Để việc can thiệp có hiệu quả mạnh hơn, Bộ Tài chính Mỹ có thể yêu cầu các nguồn lực từ Fed, cơ quan có khả năng tạo đôla không giới hạn để bán. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng có thể tìm cách tiếp cận nguồn ngân quỹ lớn hơn từ Quốc hội, Joseph Gagnon–thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và từng là nhà kinh tế của cả Fed và Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Muốn vậy cần phải nâng trần nợ công của Mỹ, cho phép chính quyền tăng thêm tiền mặt để mua ngoại tệ.

…không dễ thực hiện

Tuy nhiên, việc yêu cầu Fed can thiệp để giảm giá USD cũng khiến cơ quan này đối mặt với nhiều thách thức, bởi Fed thiết lập lãi suất là nhằm đạt được các mục tiêu mà Quốc hội Mỹ giao phó: ổn định giá cả, việc làm đầy đủ và lãi suất dài hạn vừa phải.

Mặc dù một đồng đôla yếu hơn có thể làm cho hàng nhập khẩu vào Mỹ trở nên đắt hơn, qua đó hỗ trợ Fed thúc đẩy lạm phát đạt được mục tiêu 2%; nhưng việc can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm giá đồng USD sẽ đi ngược lại thỏa thuận năm 2013 giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW của các nền kinh tế lớn nhất thế giới là tránh sử dụng tỷ giá hối đoái để đạt được các mục tiêu kinh tế.

“Không rõ là liệu Fed có sẵn sàng hành động đơn phương theo cách đối nghịch với NHTW Nhật Bản và NHTW châu Âu”, Brad Setser - một thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho biết. Còn nhớ trong bài phát biểu ngày 19/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã từ chối cho biết liệu Fed có hỗ trợ can thiệp tiền tệ hay không, nói rằng chính sách tỷ giá là trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó còn là nỗi lo liệu Washington có thể kiểm soát giá trị của đồng đôla ngay cả khi họ có nguồn lực vô hạn để bán, bởi giá trị của đồng USD là thước đo sức mạnh của nền kinh tế và sự hấp dẫn của tài sản của Mỹ so với các quốc gia khác.

Thực tế cũng cho thấy, một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của đồng đôla là sự yếu đi của kinh tế châu Âu đã buộc NHTW châu Âu phải giữ lãi suất thấp trong khi Fed liên tục tăng lãi suất kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng USD gần đây còn do nhu cầu mua vào tài sản an toàn của các nhà đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và kinh tế toàn cầu chậm lại, theo đánh giá của IMF.

“Các biện pháp can thiệp để giảm giá trị đồng đôla có thể bị lu mờ trước các yếu tố cơ bản kinh tế vĩ mô”, Eswar Prasad, chuyên gia chính sách thương mại tại Đại học Cornell cho biết.

Cũng chính vì vậy, đồng đôla có thể suy yếu ngay cả khi không có sự can thiệp của chính quyền Mỹ. Theo đó, việc Fed được dự kiến sẽ cắt giảm vào cuối tháng này và có thể cắt giảm thêm một vài đợt nữa trong năm tới cũng sẽ làm đồng đôla suy yếu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Mỹ được dự kiến sẽ chậm lại, thâm hụt ngân sách tăng cũng có thể làm giảm giá đồng đôla.