Lo lãi suất cho vay tăng trở lại

Theo Hà Anh/enternews.vn

Dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh trong thời gian qua, nhưng nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại lãi vay khó giảm thêm, thậm chí tăng trở lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Lãi vay tín chấp và thế chấp tại một số ngân hàng tín đến đầu tháng 7/2020. Nguồn: Thebank.vn
Lãi vay tín chấp và thế chấp tại một số ngân hàng tín đến đầu tháng 7/2020. Nguồn: Thebank.vn

Lo ngại nói trên xuất phát từ tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trở lại những tháng cuối năm nay, cộng thêm sức ép từ việc tuân thủ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn sẽ giảm còn 37% từ 1/10 tới.

Lãi suất thấp nhất 10 năm

Những ngày đầu tháng 7, cả 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh đã đồng loạt giảm lãi suất huy động với mức giảm lên tới 0,4- 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn, đưa lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất chỉ là 4%/năm, 6 tháng là 4,4%/năm, 9 tháng là 4,6%/năm và 12 tháng là 6%/năm… Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, nhiều ngân hàng cổ phần cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,2- 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn, cho dù không có chỉ thị mới của NHNN về lãi suất điều hành.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm do thanh khoản của hệ thống đang dư thừa khá lớn trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ì ạch, khi tính đến 29/6 tín dụng mới tăng 3,26%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 7,36% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, từ tháng 4 đến nay có gần 150 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, đồng nghĩa với việc NHNN đã bơm vào hệ thống gần 150 nghìn tỷ đồng.

Dư vốn trong khi tín dụng tăng trưởng chậm chạp là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Đơn cử từ ngày 1/7, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm nhà băng này giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có chi phí hợp lý trong bối cảnh khó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Theo Công ty Chứng khoán KBSV, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm rõ rệt để hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất đã đứng ở mức thấp nhất 10 năm qua.

Sức ép tăng trở lại

Tuy nhiên theo dự báo của KBSV, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay khi tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ hồi phục và lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Trên thực tế, tín dụng có thể sẽ tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2020 khi hoạt động sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ hơn, trong khi hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua cũng kích thích thêm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Quả vậy, theo thống kê từ NHNN, tín dụng đang có xu hướng tăng nhanh trở lại trong thời gian gần đây. Nếu như tín dụng tháng 4 chỉ tăng 0,12% so với tháng 3; tháng 5 tăng 0,53% so với tháng 4, nhưng đến 29/6 mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.

Khi tín dụng tăng nhanh sẽ tạo áp lực huy động vốn cho các ngân hàng, đẩy mặt bằng lãi suất tăng. “Lãi suất là giá của đồng vốn, khi cầu vốn tăng tất yếu sẽ đẩy lãi suất tăng”, một chuyên gia cho biết. Trong khi đó, áp lực huy động vốn, đặc biệt là vốn trung- dài hạn của các ngân hàng cũng được dự báo sẽ lớn hơn khi mà tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn

sẽ giảm tiếp về còn 37% từ 1/10 tới đây. Chưa kể hiện hoạt động huy động vốn của các nhà băng cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt, bởi kênh trái phiếu với mức lãi suất cao hơn nhiều. Hơn nữa, việc giá vàng có xu hướng tăng cao cũng đang hấp dẫn phần nào dòng tiền tiết kiệm từ dân cư.

Ngoài ra, còn sức ép từ lạm phát cũng được dự báo sẽ lớn hơn cùng với đà phục hồi của giá dầu thế giới khi nhiều nền kinh tế lớn mở cửa trở lại; trong khi cầu trong nước cũng đang phục hối cũng sẽ đẩy lạm phát tăng. Áp lực lạm phát càng cao thì áp lực tăng lãi suất càng lớn, một mặt để duy trì lãi suất thực dương, mặt khác nhằm hút bớt tiền về để giảm áp lực lạm phát”, vị chuyên gia nói trên cho biết.