Lo lắng khi xuất khẩu chững lại

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Bộ Công Thương kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm, đây là lý do để cán cân thương mại có thể đảo chiều từ nhập siêu sang xuất siêu. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nếu không có giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp trở lại hoạt động, nâng cao công suất thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ không hề dễ dàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 cũng nêu ra thực trạng hiện nay đã xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng, nhất là ở giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát trong tháng 7; có những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Xuất khẩu có xu hướng chậm lại, tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn...

Giãn, hoãn, mất đơn hàng

Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất nhập khẩu (kể cả tại các cửa khẩu biên giới) nhằm thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn I (thành viên Tổ Công tác 970 về tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT), cho biết mới đây Ukraine đặt đơn hàng khoảng 240 container thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi tổ công tác đặt vấn đề thì các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam không đáp ứng được đơn hàng này do nhiều nhà máy phải tạm dừng vận chuyển.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, hiện nay chỉ 28/182 nhà máy chế biến nông sản của tỉnh này hoạt động, đạt tỷ 15-20%. UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch yêu cầu doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương án "4 tại chỗ" gồm: sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và thêm y tế tại chỗ.

"Nếu đạt điều kiện 4 tại chỗ, doanh nghiệp sẽ được phép mở lại hoạt động chế biến, sản xuất nông sản", ông Đạt nói.

Trong khi đó, theo báo cáo từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã phải ngừng sản xuất, tổ chức sản xuất theo phương thức 3 tại chỗ, đàm phán hoãn/giãn thời gian giao hàng, hoặc phải chịu phạt để hủy đơn hàng.

Theo kết quả khảo sát nhanh tại thời điểm từ cuối tháng 7 đến ngày 3/8/2021 đối với 162 doanh nghiệp gỗ trên địa bàn các địa phương: TP. Hồ Chí Minh ; Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh, với tổng số lao động gần 68 nghìn người trước dịch, cho thấy: có 84/162 DN đã tạm ngừng hoạt động, chiếm 52%; 78/162 DN duy trì sản xuất 3 tại chỗ, chiếm 48%; số lao động tạm nghỉ việc trên 44,1 nghìn người, chiếm 65%, chỉ có 35% lao động có làm việc và có 893 ca F0 ở 21 doanh nghiệp. Đối với 78 DN thực hiện 3 tại chỗ, số lao động giảm gần 50% so với trước dịch (23.687/47.066 người).

Theo đánh giá của các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản ở 3 trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ lâm sản lớn nhất cả nước (Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh) có khoảng 60% số doanh nghiệp duy trì được sản xuất theo quy định “3 tại chỗ”, số còn lại (40%) phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được quy định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với những khó khăn như gia tăng chi phí test nhanh COVID-19, chi phí đầu vào liên tục tăng cao; doanh nghiệp phải giảm công nhân sản xuất chỉ còn khoảng 20-40% tổng số lao động thực tế, nên công suất nhà máy sụt giảm, kéo theo doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm mạnh. Do đó, nếu duy trì sản xuất 3 tại chỗ kéo dài, có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản.

Mặt khác, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần so với trước đây khi chưa có dịch bệnh), gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hợp đồng vận chuyển sản phẩm xuất khẩu.

Lật ngược "thế cờ" vào cuối năm?

Giá tăng là câu chuyện đã diễn ra như một thực tế buộc doanh nghiệp phải chấp nhận, do vậy ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vina T&T không đề cập đến vấn đề này nữa. Song điều ông lo ngại nhất hiện nay là ở vận tải đường biển, nguy cơ nhiều hãng tàu không nhận hàng lạnh như rau quả, vì giá thành bằng hàng khô mà rủi ro cao hơn nên hãng tàu không ưu tiên. 

"Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với hãng tàu nhưng chưa tìm thấy tiếng nói chung, bình thường được cấp hơn 100 container/tháng nhưng nay chỉ được cấp 30 - 40 container", ông Tùng cho biết.

Theo các chuyên gia, nhập siêu sẽ không đáng ngại nếu đây là dấu hiệu của nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao và hoạt động sản xuất được đẩy mạnh. Nhưng ở thời điểm hiện nay, nhập siêu tăng cao có thể là vì xuất khẩu bị chững lại do hoạt động sản xuất gián đoạn, đây là điều rất đáng lo.

Có thể thấy đang có rất nhiều lý do khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, xuất khẩu bị chững lại. Trên thực tế, trong tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Trong tháng 8, nếu tình hình dịch bệnh chưa được khống chế thì nguy cơ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục suy giảm là điều khó tránh khỏi.

Trước tình hình trên, Vifores đề nghị các địa phương có dịch bệnh bùng phát cân nhắc việc áp dụng phương án sản xuất 3 tại chỗ đối với doanh nghiệp duy trì sản xuất. Tùy từng khu vực, vùng có mức độ dịch bệnh khác nhau sẽ áp dụng phù hợp, ví dụ đối với doanh nghiệp ở những khu vực, vùng chưa xuất hiện F0 và việc đi lại của công nhân tập trung chủ yếu trên một tuyến đường, có cự ly ngắn thuận lợi cho việc giám sát phòng dịch thì cho áp dụng mô hình “2 tại chỗ, một cung đường”, doanh nghiệp có trách nhiệm phải đưa đón công nhân đi về và thực hiện nghiêm ngặt việc phòng chống dịch.

Đồng thời, đại diện Vina T&T cũng kiến nghị các bộ ngành chức năng như Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Giao thông -Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét đối thoại, đàm phán với các hãng tàu ngoại để đưa thêm tàu, container lạnh vào Việt Nam, có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong thời gian tới. Bởi, mấu chốt để chấm dứt nhập siêu thì phải đẩy mạnh xuất khẩu.

Về phần mình, Bộ Công Thương cho biết sẽ thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

"Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu", đại diện Bộ Công Thương cho biết.