Lo "vượt rào" cam kết CPTPP về sở hữu trí tuệ

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Một số quy định trong Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ không tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, thậm chí còn quy định cứng ở mức cao hơn mức yêu cầu, có thể gây thiệt hại cho các lợi ích ở Việt Nam.

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ không tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP. Nguồn: Internet
Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ không tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP. Nguồn: Internet

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), một số đại biểu cho rằng, việc chuyển hóa các cam kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào hệ thống pháp luật SHTT chung của Việt Nam cần được thực hiện thận trọng, theo hướng tận dụng tối đa các điểm mờ trong lời văn các cam kết để có giải thích theo hướng có lợi nhất cho đa số.

Thận trọng khi sửa luật

Đại biểu Nguyễn Xuân Hòa (Lạng Sơn) thắc mắc: Tại khoản 4 và 5 Điều 198 dự thảo Luật SHTT khi dùng cụm từ "chi phí hợp lý". Vậy, hiểu thế nào là hợp lý? Sau này, tòa có nhắc đến chi phí hợp lý thì người bị hại sẽ cãi và cho rằng cái này không hợp lý vì không có gì làm bằng chứng giữa nguyên đơn và bị đơn khi ra tòa.

Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP. Hồ Chí Minh) lý giải về trường hợp này: Khi nguyên đơn kiện bị đơn nhưng tòa phán quyết bị đơn không có hành vi xâm phạm quyền SHTT sẽ có hai vấn đề phát sinh. Thứ nhất, được quyền yêu cầu cơ quan kiện mình thanh toán phí thuê luật sư. Thứ hai, được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về hành vi lạm dụng SHTT.

Bình luận về quyền yêu cầu nguyên đơn thanh toán phí thuê luật sư, theo ông Hải, ở đây xử lý không khéo sẽ dẫn đến câu chuyện không minh bạch. Bởi chi phí thuê luật sư là bao nhiêu? Ai quy định chi phí thuê luật sư này? Vì với các vụ kiện dân sự hay các vụ kiện lao động, chi phí thuê luật sư thường không rõ ràng, vụ này thuê giá này, vụ khác khác thuê giá khác tùy vào người thuê và thỏa thuận với luật sư.

Ngoài ra, ông Hải còn đặt câu hỏi về hành vi được yêu cầu bồi thường lạm dụng thủ tục SHTT. "Có rất nhiều thủ tục liên quan đến SHTT mà nguyên đơn kiện bị đơn vi phạm thủ tục này. Nếu không cẩn thận sẽ bị lạm dụng một cách tùy tiện", ông Hải nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị xem xét, sửa đổi khoản 1 Điều 213 cho phù hợp với Hiệp định CPTPP.

Ông Tạo nêu, theo quy định về hàng hóa giả mạo về SHTT quy định tại khoản 1 Điều 213 của Luật SHTT bao gồm: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu.

Như vậy, có thể hiểu quy định sửa đổi tại khoản 1 Điều 218 áp dụng đối với cả ba loại hàng hóa nêu trên. Trong khi đó, Hiệp định CPTPP (Điều 18.76.4) quy định việc kiểm soát biên giới chỉ áp dụng đối với hai trường hợp hàng hóa bị nghi ngờ là hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hóa sao lậu quyền tác giả.

"Do đó, đề nghị chỉnh sửa lại quy định này phù hợp với phạm vi đã cam kết trong Hiệp định CPTPP", ông Tạo nói.

Còn theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), sửa đổi để hội nhập nhưng phải hết sức thận trọng khi đi vào thực tiễn, vì rất có thể sẽ làm xáo trộn vấn đề SHTT, mà có thể xuất phát từ những cơ quan đăng ký.

so-hu-tri-tue-4240-1558362264.jpg

Vấn đề cam kết SHTT được nhiều đại biểu quan tâm

Lo xáo trộn vấn đề SHTT

Ông Phong nêu ví dụ, một nhà sản xuất đưa ra một mặt hàng về thuốc hay thực phẩm chức năng để làm đẹp cho phụ nữ. Công thức đã có đầy đủ, nhưng đến khi đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền thì rất dễ bị lộ thông tin và doanh nghiệp khác rất dễ dàng thay đổi thành phần công thức để đăng ký SHTT của doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc.

"Những vấn đề này thì ai kiểm soát và ai đánh giá vấn đề đó? Nhiều khi người tâm huyết lại bị "chết" trên chính sản phẩm của mình", ông Phong nói.

Theo ông Phong, đây là những vấn đề quản lý nhà nước, quốc tế không đặt ra và chỉ yêu cầu hội nhập thì phải đảm các yêu cầu đó. Việc sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hội nhập là không phải bàn cãi, nhưng sau này, qua quá trình hoạt động thực tiễn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, khi đó chắc chắn những giải pháp trong điều hành cùng những chế tài trong xử lý sẽ hoàn thiện hoặc chỉnh lý dần để đáp ứng đúng yêu cầu hội nhập.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại đưa ra vấn đề xuất xứ địa lý. Ông Nhưỡng ví dụ ở Bến Tre có xuất xứ địa lý Bưởi da xanh, doanh nghiệp tại Bến Tre đã đăng ký chỉ dẫn địa lý lại nhập bưởi tại Bình Dương thì sẽ bị vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói bưởi Bến Tre và bưởi Bình Dương cũng là bưởi da xanh thì các nước trong CPTPP có chấp nhận không? Ông Nhưỡng đề nghị ban soạn thảo cần trả lời cho các đại biểu vấn đề này.

"Nếu giả sử việc này xảy ra thì chúng ta có bị xử lý hay không và có bị nhìn nhận là không thực hiện đúng hiệp định hay không?", ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Trước đó, góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, dự thảo Luật SHTT còn nhiều điểm chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Chẳng hạn, một số quy định có nội dung quá cụ thể, dường như vượt cả mức cam kết yêu cầu. Các cam kết trong CPTPP có nội dung khá chung chung, với lời văn chứa nhiều không gian lựa chọn khi chuyển hóa vào pháp luật nội địa.

Trong khi đó, một số quy định trong dự thảo lại không tận dụng được các không gian này, thậm chí còn quy định cứng ở mức cao hơn mức CPTPP yêu cầu, có thể gây thiệt hại cho các nhóm người sử dụng sản phẩm ở Việt Nam.