Loạt “ông lớn" địa ốc báo lãi khủng bất chấp dịch COVID-19
Báo cáo tài chính quý II cho thấy nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn vẫn báo lãi khủng bất chấp đợt dịch lần thứ tư diễn biến phức tạp.
Báo lãi khũng giữa tâm dịch
Nằm trong Top những doanh nghiệp báo lãi khủng trong quý II không thể không kể đến ‘ông lớn’ Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) với tầm phủ sóng thị trường bất động sản khắp ba miền Bắc - Trung – Nam.
Theo đó, BCTC quý II của VHM cho thấy doanh thu và lợi nhuận hợp nhất quý II tăng vọt so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý II của doanh nghiệp đạt hơn 28.700 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt hơn 13.200 tỷ đồng, lãi ròng hơn 10.300 tỷ đồng, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm 2020.
Một ‘đại gia’ khác với thị phần bất động sản dẫn đầu các tỉnh phía Nam và miền Trung là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) cũng vừa công bố các chỉ số kinh doanh tăng trưởng mạnh giữa đợt dịch lần thứ tư.
Theo BCTC được công bố, tổng doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp quý II đạt gần 7.097 tỷ đồng, tăng gần 282% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt 6.344 tỷ đồng, tăng 541% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh NVL, tại phía Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cũng vừa ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 400,8 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc 6 tháng đầu năm, NLG đạt lãi sau thuế hơn 412 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) quý vừa qua có doanh thu thuần 3.563 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 298 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 555 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 6.517 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế là 830 tỷ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận năm.
Báo cáo tài chính quý II của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng ghi nhận doanh thu thuần 1.696 tỷ đồng, gấp 3 lần và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 82,4 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ. Lãi gộp của doanh nghiệp ghi nhận 145 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đột biến 102,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 2,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cho biết, quý II ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.150 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty báo lãi sau thuế đạt 143 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ và đạt tỷ suất lợi nhuận ròng 12,4%.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp thu gần 1.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 180 tỷ đồng, lần lượt tăng 418% và 147% so với giai đoạn sáu tháng đầu năm ngoái. Công ty đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận.
Phía sau những con số ấn tượng
Theo các nhà phân tích tài chính, việc các công ty bất động sản niêm yết báo lãi khủng đang cho thấy nghịch lý môi trường kinh doanh kém do tác động đại dịch nhưng vẫn kết quả kinh doanh lại rất tốt, doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2020.
Lý giải về ‘nghịch lý’ này, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đến từ 2 yếu tố lớn.
Thứ nhất, đặc thù của ngành bất động sản chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới được phép ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ một vài năm.
Với đặc thù ghi nhận doanh thu này, các doanh nghiệp niêm yết không phụ thuộc vào tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Điều này lý giải vì sao thị trường bất động sản trầm lắng suốt quý II nhưng các doanh nghiệp địa ốc vẫn báo doanh thu và lợi nhuận khủng.
Thứ hai, trong quý II, dù dịch bệnh bùng phát và diễn biến khó lường, thị trường chứng khoán vẫn ổn định và hút vốn tốt giữa đại dịch. Diễn biến này giúp các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận khá tốt.
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán được hưởng lợi nhờ lực đỡ rất lớn từ thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu tăng mạnh thì doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn có đủ nguồn lực để báo lãi.
Việc một loạt doanh nghiệp địa ốc báo lãi khủng như một luồng gió tươi mát vào cả thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc vốn đang ‘căng thẳng’ do dịch COVID-19. Tuy nhiên, phía chuyên gia cũng cảnh báo góc khuất việc các doanh nghiệp cố gắng làm đẹp BCTC để nâng đỡ thị giá cổ phiếu, làm yên lòng cổ đông.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng nếu phải sắp xếp dòng tiền vượt quá năng lực hiện hữu hoặc sử dụng trước hạn các nguồn lực hình thành trong tương lai để ‘làm đẹp BCTC” có thể dẫn đến đuối sức khi phân bổ dòng tiền và kết quả kinh doanh cho giai đoạn cuối năm 2021.
"Việc chạy đua thành tích khi tiềm lực hạn chế, doanh nghiệp sẽ phải hụt hơi giải quyết việc thiếu hụt dòng tiền, hàng tồn, nợ đọng, lãi cao... vào cuối kỳ báo cáo tài chính hoặc cuối năm" - TS. Hiếu nhấn mạnh.