Lợi ích lớn từ việc áp dụng cải tiến năng suất tổng thể

Hiền Nguyễn

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tích cực áp dụng các tiêu chuẩn cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng. Việc áp dụng cải tiến năng suất tổng thể đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Viện Năng suất Việt Nam, mô hình nâng cao năng suất tổng thể được xây dựng dựa trên 4 trụ cột cơ bản gồm: nâng cao trình độ về KHCN và khai thác sử dụng KH-CN một cách hiệu quả; nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng; chuẩn hóa quá trình sản xuất của doanh nghiệp; giảm lãng phí bằng các biện pháp khác nhau.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, để tồn tại và phát triển đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trong khối doanh nghiệp lĩnh vực cơ điện, Công ty cổ phần Cơ điện Tomeco đã áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng giúp đạt nhiều kết quả bất ngờ với doanh thu và giá trị xuất khẩu sản phẩm.

Tham gia Dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng, với sự hỗ trợ của chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam, Tomeco đã nhìn ra được những vấn đề trong hoạt động cải tiến chất lượng và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp. Chỉ sau 12 tháng triển khai, doanh nghiệp đã thu về nhiều thành quả.

Theo đó, doanh thu tăng 17%, giá trị xuất khẩu tăng trên 100%, năng suất lao động tăng 15%, mức độ thỏa mãn, hài lòng của khách hàng đạt trên 90 điểm, khả năng sinh lời tăng 20% so với năm trước đó. 

Nhờ ứng dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng, tỉ lệ chi phí nhân công/doanh thu có dấu hiệu giảm, thu nhập người lao động ổn định, mặt bằng nhà xưởng gọn gàng giúp giảm bớt căng thẳng trong sản xuất.

Đối với Công ty TNHH Tương Lai, doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm cao su và nhựa kỹ thuật phục vụ cho các ngành ôtô, xe gắn máy, thực phẩm, y tế; doanh nghiệp này đã tham gia hoạt động năng suất chất lượng từ lâu và có thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, chỉ đến khi tham gia Dự án năng suất tổng thể của Bộ Công Thương, sự thay đổi mới thực sự rõ nét và đem lại kết quả khả quan.

Được biết, sản phẩm của Tương Lai có yêu cầu khá nghiêm ngặt về các chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng. Ngoài phục vụ nhu cầu nội địa, Công ty cũng có lượng lớn khách hàng nằm trong các khu chế xuất FDI tại Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia, Trung Quốc, CHLB Đức… và xuất khẩu sản phẩm sang các nước như: Hoa Kỳ (Tập đoàn GE), Anh, Australia, Lào, Campuchia.

Do đó, ngay từ khi thành lập vào năm 2012, doanh nghiệp đã tiếp cận với các hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001, ISO 14001, các công cụ cải tiến như 5S, Kaizen cũng được doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhien, sự thay đổi lớn có được là khi doanh nghiệp tham gia Dự án năng suất tổng thể năm 2018 của Bộ Công Thương, do Viện Năng suất Việt Nam chủ trì triển khai.

Sau 10 tháng áp dụng các giải pháp của cải tiến năng suất tổng thể, kết quả đạt được cho thấy sự đầu tư là rất xứng đáng khi sự phàn nàn của khách hàng về tiến độ giao hàng đã giảm xuống đáng kể; năng suất lao động chung của Công ty tăng 20%; riêng phân xưởng cao su, sản lượng đã tăng gấp 3 lần/lao động.

Chất lượng sản phẩm được cải thiện tốt hơn nhiều qua các đánh giá tích cực từ khách hàng; chấm dứt được khiếu nại của khách về giao sai mã hàng; tỷ lệ hoàn thành lệnh sản xuất đã tăng từ 85-86% lên 98%; thực hiện việc giao hàng đúng hạn cho khách đạt 100%; năng suất lao động của các bộ phận đều tăng; khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng đều phản hồi rất tích cực…

Tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Nhựa kỹ thuật Vinastar, sau 1 năm thực hiện cải tiến năng suất tổng thể với 2 dự án gồm cải tiến hiệu suất thiết bị và cải tiến giảm lãng phí trong sản xuất đã giúp năng suất thiết bị tổng thể tăng 16%, tỷ lệ chất lượng hàng trung bình tăng 1%, gia tăng thêm 12 khách hàng mới, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên giảm từ 20% xuống còn 5%...

Còn tại Công ty cổ phần May Nam Hà, nhờ sớm áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến cũng như xây dựng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể, doanh nghiệp đã không ngừng tăng trưởng về doanh thu, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Trước đó, Công ty cổ phần May Nam Hà đã sớm đi đầu ngành Dệt may với việc áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, ISO 9001, ISO 14000, SA 8000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen. 

Đến năm 2018-2019, Công ty tiếp tục xây dựng một mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể với việc tham gia “Dự án áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng” của Bộ Công Thương nhằm cải tiến toàn diện hoạt động năng suất chất lượng của Công ty.

Kết quả là tỷ lệ lỗi đã giảm từ 12% xuống 7,6%, năng suất có mặt hàng tăng đến 25% so với trước đây; thời gian chuyển đổi mã hàng của Công ty đã giảm từ 2-3 tiếng/mã hàng trước đây, xuống còn 30-60 phút/mã hàng, tùy vào tính đơn giản hay phức tạp của mã hàng. Tổng thời gian chuyển đổi giảm từ 8 tiếng xuống còn 4 tiếng. 

Việc sớm áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến cũng như xây dựng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể, chỉ tính riêng trong năm 2019, năng suất tổng thể của May Nam Hà đã tăng lên 23%, doanh thu sản xuất tăng 17%, thu nhập bình quân người lao động tăng 23%, tỷ lệ sản phẩm lỗi khi kiểm xuất giảm được 13% so với năm 2018...