Lừa đảo tiền ảo nở rộ ở châu Á
Cơn sốt đầu tư tiền ảo đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho bọn tin tặc và những kẻ lừa đảo tung hoành ở nhiều châu Á, nơi mà các chuyên gia thị trường cảnh báo rằng kiến thức tài chính của nhà đầu tư không theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong nhiều vụ lừa đảo tiền ảo, kẻ gian dụ dỗ những nhà đầu tư cả tin bằng những cam kết về các khoản lợi nhuận béo bở và được bảo đảm.
“Không bao giờ có kiểu đầu tư an toàn tuyệt đối. Chỉ có những kẻ lừa đảo mới đưa ra cam kết như vậy. Điều này phải là kiến thức mà ai cũng biết nhưng thực tế cho thấy không phải như vậy”, Hideto Fujino, Chủ tịch công ty tư vấn Rheos Capital Works cho biết.
Các mối lo ngại đang bao phủ ngay cả những sàn giao dịch tiền ảo hợp pháp sau khi sàn Coincheck, một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Nhật Bản bị tin tặc cướp mất số tiền ảo trị giá hơn 530 triệu đô la Mỹ vào tuần trước dù ban lãnh đạo của sàn này trước đó bảo đảm với nhà đầu tư rằng hệ thống giao dịch của họ an toàn.
Tại Ấn Độ, hàng trăm nhà đầu tư đã nộp đơn kiện vì bị lừa đảo trong các giao dịch tiền ảo. Giới đầu tư Ấn Độ đổ xô giao dịch bitcoin, đặc biệt sau khi chứng kiến cơn tăng giá phi mã 1.700% của đồng tiền ảo này vào năm ngoái.
Sàn giao dịch tiền ảo Zebpay- chiếm 70% thị phần giao dịch tiền ảo ở Ấn Độ, cho biết có hơn 200.000 nhà đầu tư mới tham gia giao dịch ở sàn này mỗi tháng và con số này dự kiến sẽ tăng lên 500.000 người.
Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ xem tiền ảo giống như các trò lừa đảo đa cấp. Cụ thế, cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ Tài chính Ấn Độ ra thông báo cảnh báo, người dân cần tỉnh táo và cực kỳ thận trọng để tránh mắc bẫy các trò lừa đảo đa cấp. Tiền ảo được lưu trữ dưới dạng điện tử, khiến chúng dễ bị tin tặc tấn công, ăn cắp mật khẩu, gài mã độc, dẫn đến mất tiền vĩnh viễn.
Trong khi đó, cảnh sát Thái Lan đang truy lùng một băng nhóm lừa đảo đầu tư bitcoin chuyên nhắm đến các thầy chùa. Băng nhóm này tiếp cận các thầy chùa và dụ dỗ họ nộp tiền vào quỹ đầu tư bitcoin với cam kết nếu đầu tư tối thiểu 38.000 baht (hơn 1.100 đô la Mỹ), các thầy chùa sẽ nhận được khoản lợi nhuận lớn sau 300 ngày.
Ngoài ra, băng nhóm này còn hứa trả thêm lợi nhuận nếu các thầy chùa này thuyết phục được những người khác tham gia mạng lưới đầu tư của bọn chúng. Hiện có khoảng 800 thầy chùa đã bị lừa bằng những lời cam kết đường mật này.
Tại Hàn Quốc, cuối năm ngoái các công tố viên đã tiến hành khởi tố một vụ án trong đó, 18.000 người từ 54 nước bị công ty “đào” tiền ảo Mining Max lừa tổng cộng 250 triệu đô la Mỹ. Mining Max có trụ sở đặt tại bang California (Mỹ) và có một trang trại đào tiền ảo ở Seoul (Hàn Quốc).
Mining Max bị cáo buộc dụ dỗ nhà đầu tư nộp tiền đầu tư bằng cách quảng cáo rằng công ty đã phát triển được một máy “đào” ethereum, loại tiền ảo phổ biến thứ hai chỉ sau bitcoin. Mining Max cam kết lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ càng cao nếu họ đầu tư càng nhiều.
Tuy nhiên, các công tố viên cho biết Mining Max đã tổ chức mô hình đầu tư đa cấp, lấy tiền của người trước trả cho người sau. Các công tố viên đã truy tố 24 người về các tội lừa đảo, biển thủ và các tội danh khác. Bảy người nước ngoài và Hàn Quốc bao gồm chủ tịch và phó chủ tịch của Mining Max đã bị đưa vào danh sách truy nã của tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol.Chính phủ Hàn Quốc gần đây siết chặt quản lý các sàn tiển ảo và thậm chí đang cân nhắc cấm giao dịch tiền ảo.
Tại Nhật Bản, vụ tin tặc ăn cắp tiền ảo sàn ở sàn Coincheck không phải là mối lo ngại duy nhất. Trung tâm phụ trách các vấn đề người tiêu dùng quốc gia Nhật Bản cho biết đã nhận được 1.500 đơn khiếu nại liên quan đến tiền ảo từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái. Nhiều đơn khiếu nại liên quan đến “đào” tiền ảo.
Một nạn nhân cho biết anh đã trả 100.000 yen (917 đô la My) để được cấp quyền sử dụng một ứng dụng di động “đào” tiền ảo được quảng cáo sẽ mang lại cho nhà đầu tư nguồn lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là trò lừa đảo. Nhiều người khác cũng bị lừa mua các công cụ đào tiền ảo đắt tiền với những lời quảng cáo như bạn có thể dễ dàng ngồi ở nhà kiếm tiền hoặc bạn sẽ không bị rủi ro mất tiền.
Trong một diễn biến mới nhất, hôm 30/1, Facebook thông báo cấm tất cả quảng cáo đầu tư tiền ảo bao gồm bitcoin và phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICO) để huy động vốn trên mạng xã hội này. Rob Leathern, Giám đốc quản ly sản phẩm của Facebook cho biết, quyết định cấm này là một phần của chính sách mới nhằm ngăn chặn hoạt động quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ tài chính gian dối, đánh lừa người dùng facebook.