Luật Giá (sửa đổi) điều chỉnh toàn diện những vấn đề về quản lý, điều hành giá

Nguyễn Xuân Định - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, thay thế Pháp lệnh Giá năm 2002 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính; tiếp tục củng cố khung pháp lý cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Giá cũng phát sinh một số tồn tại, hạn chế. Do vậy, vấn đề nghiên cứu, sửa đổi luật được đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Tài Chính
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Tài Chính

Thực trạng quản lý, điều hành giá trong những năm qua

Kết quả đạt được

Sau 10 năm triển khai Luật Giá số 11/2012/QH13 hoạt động, quản lý, điều hành giá đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:

Một là, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc triển khai thực hiện cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Công tác quản lý, điều tiết giá được thực thi hiệu quả gắn với việc đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo đã giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (liên tiếp trong 8 năm từ 2014 – 2022, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, trong những giai đoạn giá cả thị trường biến động lớn do chịu ảnh hưởng từ diễn biến dịch bệnh và bất ổn địa - chính trị thế giới, công tác quản lý, điều hành giá vẫn được chú trọng triển khai quyết liệt, hiệu quả và góp phần giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế - xã hội.

Hai là, danh mục mặt hàng Nhà nước định giá, bình ổn giá, kê khai giá và gắn với các cơ chế quản lý, điều tiết công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường quy định rõ thẩm quyền trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Ba là, các biện pháp bình ổn giá, định giá, kê khai giá và niêm yết giá được triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, đã kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bốn là, phát triển nghề thẩm định giá phục vụ nhu cầu của xã hội; hoạt động thẩm định giá nhà nước đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định liên quan đến mua, bán tài sản; đảm bảo sử dụng các nguồn lực của Nhà nước hiệu quả.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật Giá số 11/2012/QH13 cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, sau một thời gian thực hiện đã phát sinh những hạn chế chưa thật sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành. Một số trường hợp quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện định giá cụ thể là không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, rất khó xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu; Hệ thống phương pháp định giá còn phân tán, chưa quy định rõ việc áp dụng phương pháp định giá chung và phương pháp định giá chuyên ngành; Các hình thức định giá cần kiện toàn để đáp ứng những phát sinh trong thực tiễn.

Trên thực tế triển khai thực hiện Luật Giá, khi xây dựng các Luật chuyên ngành đã có những quy định trùng lặp, chồng chéo (hiện qua rà soát có hơn 20 Luật, Nghị định có các quy định chồng chéo với Luật Giá như Luật Giao thông đường bộ, Luật Nhà ở, Luật Thủy lợi, Luật Hàng không dân dụng…) như: (i) Đã quy định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá ngoài danh mục tại Luật Giá; (ii) Một số hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Luật chuyên ngành chưa đảm bảo phù hợp với 03 nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; (iii) Thiếu các quy định đồng bộ về hình thức, thẩm quyền định giá khi có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; (iv) Chưa có sự thống nhất về quy trình thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá giữa pháp luật chuyên ngành với Luật Giá; (v) Chồng chéo trong ban hành phương pháp định giá.

Thứ hai, đối với các biện pháp bình ổn giá, còn thiếu các cơ chế để áp dụng linh hoạt, trong bối cảnh đặc biệt cần phải triển khai gấp như trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19; hoặc có những biện pháp phải có sự điều chỉnh về phạm vi áp dụng cho phù hợp như trong việc lập quỹ bình ổn giá.

Thứ ba, đối với các biện pháp như công tác hiệp thương giá phát sinh vướng mắc, bất cập về phạm vi áp dụng và giá trị pháp lý của mức giá hiệp thương; Biện pháp kê khai giá cần tiếp tục củng cố khâu tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cả đối tượng kê khai và tiếp nhận kê khai. Chưa có các quy định cụ thể về công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá.

Thứ tư, về dịch vụ thẩm định giá, đã có hiện tượng phát triển nóng về số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá (đến hết năm 2015 cả nước có 184 doanh nghiệp thẩm định giá nhưng đến ngày 01/4/2022, cả nước đã có 418 doanh nghiệp thẩm định giá). Cùng với đó, những vấn đề về số lượng, chất lượng cung cấp dịch vụ thẩm định giá có dấu hiệu suy giảm, đã có doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá vi phạm về đạo đức nghề nghiệp bị xử lý theo quy định pháp luật gây ảnh hưởng đến hoạt động này.

Ngoài ra, việc quy định thêm những điều kiện đối với hoạt động thẩm định giá tại các Luật chuyên ngành cũng làm phát sinh thêm những khoản chi phí tuân thủ cho xã hội không cần thiết (như việc quy định về chứng chỉ định giá đất tại Luật Đất đai, chứng chỉ về tư vấn xác định giá công nghệ...). Bên cạnh đó, hoạt động thẩm định giá của Nhà nước hiện cũng chưa rõ ràng trong phạm vi áp dụng, thẩm quyền thực hiện dẫn đến lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện.

Thứ năm, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động này, nên chưa phát huy động được hết hiệu quả.

Sửa đổi Luật Giá nhằm hướng đến điều chỉnh toàn diện các vấn đề về quản lý, điều hành giá

Trên cơ sở đánh giá, tổng kết, việc sửa đổi Luật Giá 2012 đã được đặt ra nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong các chương trình kế hoạch hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo về việc hoàn thiện pháp luật về giá nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo phân công của Chính phủ, để triển khai Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tổng kết, đánh giá thi hành Luật, xây dựng các chính sách để phục vụ cho việc nghiên cứu sửa đổi Luật. Theo đó, việc xây dựng dự án Luật Giá đã bám sát với mục đích và quan điểm chỉ đạo: (i) Tạo lập môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực giá, đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý giá, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, khuyến khích cạnh tranh về giá. (iii) Kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được trình Chính phủ, trình Quốc hội với những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, Dự thảo Luật Giá sửa đổi đã bổ sung tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan. Trong đó, về cơ bản Luật Giá sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Chỉ trừ một số trường hợp rất đặc thù đã có luật riêng điều chỉnh toàn diện thì mới thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành như giá điện thực hiện theo pháp luật về điện lực; giá đất thực hiện theo quy định tại pháp luật về đất đai; giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; giá học phí, dịch vụ giáo dục đào tạo thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp...

Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, trên cơ sở cụ thể hóa nội dung chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp, tại dự thảo Luật đã bổ sung chương 3 quy định chi tiết, cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về giá, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thứ hai, về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí hiện hành, đã bổ sung thêm tiêu chí "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh; để phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng hiện đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhật tại Luật Giá.

Trên cơ sở đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá đã được cập nhật tại Luật Giá với các Luật chuyên ngành để quy định đồng bộ tại Luật giá (sửa đổi). Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai rà soát, đánh giá chi tiết để đưa ra nhiều hàng hóa, dịch vụ không còn phù hợp với thực tiễn yêu cầu công tác quản lý nhà nước về giá; bên cạnh đó, bổ sung 02 mặt hàng gồm: (1) Sách giáo khoa; (2) Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất. Điểm khác so với Luật hiện hành là tại Luật sửa đổi sẽ ban hành kèm theo Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với thẩm quyền và hình thức định giá được quy định cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Thứ ba, về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, ban hành phương pháp định giá đã bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng. Theo đó, tại dự thảo Luật đã bỏ cấp định giá là Chính phủ; Như vậy, vai trò của Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản dưới Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp Bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp Ủy ban nhân dân tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý; việc phân như vậy là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm.

Về phương pháp định giá, đã quy định 2 nhóm phương pháp ứng với từng trường hợp cụ thể tại như sau: (1) Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề xuất cụ thể, có văn bản gửi Bộ Tài chính xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. (2) Trường hợp Luật khác có quy định về phương pháp định giá chuyên ngành, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành phương pháp riêng (ví dụ như: giá đất; giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục; tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan…).

Thứ tư, về biện pháp bình ổn giá, sau khi được chỉnh lý hoàn thiện theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì về cơ bản tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành khi quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại Luật và trường hợp có điều chỉnh sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Riêng đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đã bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi và đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện (do thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nên việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá quyết định, vì vậy điện không thuộc trường hợp bình ổn giá), khí dầu mỏ hóa lỏng, muối ăn và đường ăn (do nguồn cung ổn định, xu hướng sử dụng các mặt hàng này đã ít theo bối cảnh kinh tế xã hội…). Danh mục tại dự thảo Luật gồm 8 hàng hóa, dịch vụ là: (1) Xăng, dầu thành phẩm; (2) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; (3) Thóc tẻ, gạo tẻ; (4) Phân đạm; phân DAP; phân NPK; (5) Thức ăn chăn nuôi; (6) Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; (7) Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; (8) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp phát sinh tình huống đặc biệt thì khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyển công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục trong thời hạn nhất định. Quy định này nhằm tạo sự linh hoạt cho việc triển khai bình ổn giá trong các tình trạng cấp bách, cần triển khai gấp, kịp thời để khắc phục được những hạn chế trong thời gian qua.

Đồng thời với đó thì đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để quy định rõ hơn về các biện pháp bình ổn giá, quy trình triển khai đảm bảo thuận lợi, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, khi dấu hiệu nhận diện hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai thì Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá.

Thứ năm, về biện pháp hiệp thương giá, điểm mới căn bản nhất là việc quy định rõ phạm vi hiệp thương giá chỉ thực hiện giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp với vai trò trọng tài của Nhà nước. Việc quy định như trên thể hiện rõ tính chất của biện pháp hiệp thương giá hướng đến đề cao việc thỏa thuận giữa các bên trong đó có vai trò trung gian của cơ quan tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích, đảm bảo giao dịch được diễn ra minh bạch, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, cũng quy định rõ phạm vi áp dụng giá hiệp thương nhằm tránh các trường hợp lợi dụng mức giá hiệp thương để sử dụng cho các mục đích khác, không đúng với yêu cầu hiệp thương và vụ việc mua bán.

Thứ sáu, về biện pháp kê khai giá là biện pháp tiếp nhận thông tin để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá; thông tin giá kê khai sẽ được cập nhập trên cơ sở dữ liệu về giá. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, tại dự thảo Luật đã quy định việc kê khai được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện sau khi quyết định giá nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai tại đơn vị thay cho quy định hiện hành là việc kê khai phải được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quyết định giá. Đây là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai.

Thứ bảy, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường đã được thể chế hóa cụ thể tại 01 chương của Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ; bên cạnh đó cũng Luật hóa những quy định về Cơ sở dữ liệu về giá để tăng cường cơ sở pháp lý cho việc triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá tại Bộ Tài chính đảm bảo kết nối với các bộ, ngành, địa phương, phục vụ tốt cho yêu cầu công tác quản lý nhà nước về giá và nhu cầu xã hội.

Đồng bộ với đó là Chương VII quy định về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá với các quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, qua đó, tăng cường cơ sở pháp lý cho khâu giám sát, hậu kiểm việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong tuân thủ quy định của pháp luật về giá.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Giá 2012 và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tháng 4/2023;
  2. Báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá;
  3. Báo cáo đánh giá tác động chính sách tại Luật Giá (sửa đổi);
  4. Báo cáo tổng hợp ý kiến các Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 5/2023