Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025
Sáng 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 423/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 85,63%. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Trước đó, báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở (Điều 5), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 5, Điều 5 của Dự thảo Luật theo hướng thu hẹp phạm vi khu vực chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê, tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định.
Về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (Điều 57), Ủy ban Thường vụ Quốc nhận thấy, việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 57 như thể hiện tại dự thảo Luật là nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, đồng thời bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý và nhu cầu phát triển, đáp ứng nguồn cung nhà ở cho một bộ phận người dân ở đô thị.
Để có cơ sở triển khai đồng bộ quy định này, một số quy định có liên quan tại Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý như sau: Khoản 4 Điều 80 quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nguồn tài chính công đoàn; khoản 2 Điều 84 quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Theo đó, việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Bổ sung vào khoản 1 Điều 85 ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn tài chính công đoàn như sau: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi quy định tại các điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều 85.
Điều 86 quy định một số nguyên tắc xác định giá thuê và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội; đồng thời khoản 4 Điều 89 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, bảo đảm cơ chế triển khai đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng và cho thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 423/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 85,63% tổng số đại biểu. Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua gồm 13 chương, 198 điều.