Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ
Ngày 24/1, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Một trong 9 luật được sửa đổi lần này là Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, kỹ thuật lập pháp dùng 1 luật sửa nhiều luật chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật.
Ngày 11/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật khác. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sửa đổi, bổ sung này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hoá đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thân thiện với môi trường.
9 luật được sửa đổi bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự. Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.
Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó dự kiến sẽ có 3 văn bản quy định chi tiết đối với luật này.
Cụ thể, 3 văn bản này bao gồm: Nghị định quy định chi tiết khoản 1 Điều 1 và khoản 1 Điều 5 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (khoản 1 điều 1 và khoản 1 điều 5); Nghị định quy định chi tiết về việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ (khoản 7 điều 7); Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (Điều 5 khoản 3).
Một trong 9 luật được sửa đổi lần này là Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính (thực hiện cam kết của Liên Hợp quốc về bảo vệ môi trường), định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường; Điều 8 của luật bổ sung điểm i, khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành.
Từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nhấn mạnh, việc triển khai chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư sớm hơn các nước trong khu vực sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất xe ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hiện nay trong nước đã có doanh nghiệp đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã nêu rõ các thông tin cụ thể, chi tiết về đáng giá tác động đến môi trường đối với pin thải loại và phương án xử lý cụ thể, bảo đảm xử lý tái chế cơ bản đối với các linh kiện của pin. Xét về tổng thể tác động tích cực và tiêu cực khi sử dụng xe ô tô điện chạy pin thì loại xe ô tô này vừa thân thiện với môi trường vừa phù hợp với thực tế ứng dụng.