Lực đẩy tái cơ cấu, xử lý nợ xấu

Theo thoibaonganhang.vn

Minh bạch hóa thông tin giúp nhà băng minh bạch hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Để nhà đầu tư yên tâm rót vốn, bản thân các ngân hàng phải tự thanh lọc mình. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để nhà đầu tư yên tâm rót vốn, bản thân các ngân hàng phải tự thanh lọc mình. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyện cũ nhưng vẫn... nóng hổi

Ngân hàng (NH) là một lĩnh vực nhạy cảm, việc nới room cho nhà đầu tư ngoại lâu nay vẫn khá thận trọng trước những lo lắng về cạnh tranh, khi thị trường chứng khoán của một quốc gia bị lệ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cũng đã có những bài học nhãn tiền. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 1998 vốn xuất phát từ một số quốc gia khu vực Đông Nam Á khi bị nhà đầu tư ngoại ồ ạt rút vốn về.

Thận trọng - quan điểm đó không sai, nhưng chưa hoàn toàn đúng và đủ. Với bối cảnh kinh tế hiện nay, khi sự hội nhập ngày càng lan rộng ở mỗi một nền kinh tế, việc hạn chế room sẽ khiến cho việc bán cổ phần của các NH gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng: Với nhu cầu tăng vốn của các NH trong thời gian tới thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức bao nhiêu cũng cần xem xét. Quan trọng hơn, thiếu dòng vốn ngoại, các NH niêm yết cũng thiếu động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu. Đặc biệt là dòng vốn để xử lý nợ xấu, cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu, hay triển khai áp dụng Basel II...


Nới tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhóm các nhà đầu tư ngoại là nỗi niềm chung của nhiều CEO NH. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho biết, việc tái cơ cấu NH có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Song ông Hải cũng thấy cần phải nhìn nhận thực tế, là đa phần các NH toàn cầu, NH trong khu vực hiện nay đã phải tuân thủ theo Basel III, khả năng tham gia làm chiến lược tại các NH sẽ không còn nhiều như trước đây nữa.

Do đó đã tới lúc cần xem xét lại tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ thấp thì đa phần họ sẽ không có nhiều mong muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu này.

Dẫn ra một loạt những hệ số CAR hiện nay tại một số NH trong khu vực như Thái Lan 17,6%, Singapore 16,5%, Philippines 16%..., CEO của một ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước cho rằng hệ số an toàn vốn 9% của các NHTM Nhà nước Việt Nam hiện nay là quá thấp. Theo ông, con số này sẽ còn thấp hơn nữa, giảm khoảng 2% so với thời điểm bây giờ khi áp dụng thông lệ Basel II.

Với hệ số an toàn vốn thấp như hiện tại, các NHTM Việt Nam không những tiệm cận ngưỡng vi phạm tỷ lệ an toàn hoạt động mà còn không có khả năng mở rộng tăng trưởng tín dụng, tài trợ vốn đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Và điều này là nguy cơ hiện hữu ngay trong năm 2017.

“Chính phủ nên có cơ chế để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư có năng lực nước ngoài bằng việc xem xét có lộ trình trong việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần Nhà nước tại NHTM Nhà nước, tăng giới hạn sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài từ 30% hiện nay lên 35%. Bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế, văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tế trong việc phát hành tăng vốn riêng lẻ đảm bảo quá trình bán vốn vừa minh bạch vừa có tính khả thi cao” - vị này chia sẻ.

Lãnh đạo một NHTM cổ phần thì nêu quan điểm: Với các NHTM Nhà nước, Chính phủ và NHNN có thể vẫn áp dụng quy định hiện tại trong việc hút vốn ngoại. Tuy nhiên với khối NHTM cổ phần có thể xem xét để nới room cho các nhà đầu từ nước ngoài lên 49% hoặc trên 50%.

Chờ đón “luồng gió” mới?

Có thể thấy, quá trình phát triển của hệ thống NH, cũng như các tổ chức tín dụng rất cần sự góp tay của các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ đơn thuần là dòng tiền đầu tư, mà xa hơn là nâng cao tính minh bạch, chất lượng quản trị hệ thống, hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống NH...

Rất nhiều nhà đầu tư trông đợi cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nới rộng hơn. Và cũng có cơ sở để kỳ vọng vào khả năng này. Đặc biệt sau khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 (diễn ra tại Davos, Thuỵ Sĩ) rằng sẽ nới room nắm giữ cổ phần cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tại Việt Nam, nâng tỷ lệ sở hữu NH cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội NH châu Á (ABA), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã truyền đi thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các NH trong nước trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ của ngành NH Việt Nam tới đây. Việc nới room ở thời điểm hiện tại trở nên cấp thiết hơn bởi nó sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành NH giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, qua trao đổi, nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị: phương án nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài với các NH nên được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.

Trên thực tế, có nhà đầu tư nước ngoài cho rằng việc thành lập một NH 100% vốn nước ngoài sẽ dễ chịu hơn với việc bỏ vốn vào một NH trong nước. Chưa kể tới tình hình nợ xấu tại các nhà băng càng khiến họ không mặn mà rót vốn. Cộng thêm việc phát hành thêm vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự vướng mắc về cơ chế. Đặc biệt là cơ chế về giá, dẫn tới việc khó tìm kiếm các nhà đầu tư phù hợp đầu tư vốn lớn và đồng hành lâu dài cùng với NH.

Nhưng ngược lại, cũng có nhiều tổ chức sẵn sàng tham gia quá trình tái cơ cấu NH và các tổ chức tín dụng trong nước. Vậy vấn đề mấu chốt trước hết nằm ở nội tại của các nhà băng. Để nhà đầu tư yên tâm rót vốn, bản thân các NH phải tự thanh lọc mình.

Trên thế giới, trong quá trình tái cơ cấu, nhiều quốc gia tách riêng tài sản xấu, tài sản chưa tốt của NH để thuận tiện hơn trong việc quản lý, cũng là để minh bạch với các nhà đầu tư nước ngoài. Khi mọi thứ được rõ ràng, cụ thể, thì việc kêu gọi vốn ngoại cũng không còn quá khó khăn. Điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ sở được nới rộng hơn.