Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương:

Luôn tạo ra những sản phẩm chất lượng cho xã hội, có lợi với môi trường

Xuân Trường

Năm 2022, để đạt được mục tiêu Đại hội cổ đông đề ra, Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) đã nỗ lực tìm kiếm các cơ hội để phát triển, nhờ đó, kết quả kinh doanh năm 2022 của Biwase tăng gần 10% so với năm 2021. Với kết quả đáng phấn khởi đó, tương lai mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa đối với Công ty. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.

Nhà máy nước Nam Tân Uyên (thuộc Biwase) có công suất 70.000 m³/ngày đêm.
Nhà máy nước Nam Tân Uyên (thuộc Biwase) có công suất 70.000 m³/ngày đêm.

PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ những bước đi trong điều hành doanh nghiệp để dẫn dắt  Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương trở thành đơn vị luôn dẫn đầu trong ngành sản xuất - kinh doanh nước sạch, xử lý chất thải, nước thải trong nhiều năm qua?

Ông Nguyễn Văn Thiền: Khi nhận nhiệm vụ điều hành doanh nghiệp, chúng tôi xác định luôn tận tâm với nhiệm vụ được giao. Xung quanh mình còn bao nhiêu cán bộ, công nhân viên (CBCNV), sự mong đợi của nhà đầu tư, của chính quyền… Do vậy, phải tập trung suy nghĩ và điều hành hoạt động của đơn vị sao tốt nhất, đáp lại sự mong đợi trên.

Vì thế, tùy khả năng tài chính, nhân lực để có kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch dài hạn sao  cho hiệu quả, để nâng cao đời sống CBCNV, nâng cao uy tín của đơn vị. Từ những suy nghĩ nêu trên, chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ cán bộ, lực lượng công nhân đầy nhiệt huyết và đã thành công như ngày nay. Cụ thể, chúng tôi cung cấp công nghệ xử lý nước và dịch vụ cấp nước hoàn hảo, nhiều năm qua hiếm khi khách hàng bị cắt nước để tu bổ, sửa chữa hệ thống. Chất lượng nước cấp đến hộ gia đình rất cao, có thể uống tại vòi, áp lực nước có thể lên 3-4 tầng lầu… khách hàng rất hài lòng.

Ông Nguyễn Văn Thiền luôn thể hiện tinh thần sáng tạo trong công việc, nỗ lực trong mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực xây dựng, phát triển BIWASE
Ông Nguyễn Văn Thiền luôn thể hiện tinh thần sáng tạo trong công việc, nỗ lực trong mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực xây dựng, phát triển BIWASE

PV: Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia COP26 (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2030. Là doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất - kinh doanh nước sạch, xử lý chất thải, nước thải, xin ông chia sẻ hướng đi của Công ty trong thời gian qua, cũng như thời gian sắp tới để đảm bảo phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường?

Ông Nguyễn Văn Thiền: Trong hơn 15 năm qua, từ khi Công ty phụ trách mảng tiếp nhận, xử lý rác, ở Bình Dương không hề có sự phàn nàn của địa phương hay người dân. Người dân sống lân cận khu xử lý rác còn xây dựng cửa hàng bán buôn, bán lẻ cùng nhiều dịch vụ rất đông vui, sống hòa đồng với nhau, giao lưu qua lại rất đoàn kết.

Hiện nay, mỗi ngày Công ty tiếp nhận từ 2.500 đến 3.000 tấn rác các loại để xử lý và tái chế (chủ yếu phân loại tái chế ra phân hữu cơ và đốt). Trường hợp quá tải thiết bị, rác thải được tạm trữ hoặc chôn lấp. Dây chuyền đốt rác thải được tận thu nhiệt để phát điện, giảm tác hại nhiệt ra ngoài môi trường.

Công ty hoạt động với nhận thức vì hạnh phúc của mọi người, vì một đô thị văn minh đáng sống. Thành quả lao động là niềm tự hào của Công ty, vì đã làm tròn nhiệm vụ của Tỉnh giao cho, đồng thời nâng cao hiệu quả cho nhà đầu tư.

Về lĩnh vực cấp nước, hiện nay Công ty đã đưa nước tới khắp các đô thị và vùng lân cận. Trong khoảng 2 năm tới, nguồn nước của Công ty sẽ về tận các địa phương nông thôn, góp phần cung cấp nước sạch đạt chuẩn cho mọi người dân.

Trong lĩnh vực xử lý nước thải, hiện có 4/10 đô thị trực thuộc tỉnh Bình Dương đã có nhà máy xử lý nước thải với hệ thống mạng lưới thu gom độc lập với nước mưa. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng nhà máy thứ 5, đồng thời nâng công suất các nhà máy cũ. Ở Bình Dương, hệ thống thu gom nước thải hoàn toàn riêng, tách biệt với hệ thống nước mưa, vì vậy, khi người dân đấu nối, hệ thống sẽ tiếp nhận toàn bộ nước thải từ khu vệ sinh của các hộ gia đình về nhà máy xử lý, không cần xây bể phốt, rất tiện lợi cho các hộ gia đình và hạn chế ô nhiễm ra đất và nguồn nước.

PV: Rác thải đang trở thành bài toán nan giải với các địa phương, nhất là trong lựa chọn công nghệ xử lý. Để khắc phục những khó khăn này, Biwase đã có những hướng đi nào trong thời gian tới, nhằm tận dụng những thế mạnh của mình, biến những thách thức thành cơ hội trong tương lai?

Ông Nguyễn Văn Thiền: Như đã đề cập ở trên, công nghệ xử lý rác thải ở Bình Dương ngày càng hoàn thiện và luôn được cập nhật với những giải pháp tiên tiến, hiệu quả. Khoa học công nghệ luôn phải đi tắt, đón đầu để theo kịp văn minh, tiến bộ của thế giới.

Đối với nguồn lực đất đai, Bình Dương luôn quy hoạch, dành quỹ đất thích hợp cho việc đầu tư các công trình môi trường, vì vậy, các khu xử lý rác còn có thể hoạt động thêm vài thập kỷ nữa.

PV: Xin cảm ơn ông.

 

Phương hướng sản xuất kinh doanh năm 2023 của Biwase

- Tập trung chỉ đạo điều hành, giữ mức doanh thu, lợi nhuận bằng hoặc cao hơn năm 2022;
- Hoàn thành đưa dự án xử lý rác giai đoạn 4 có phát điện vào sử dụng;
- Đầu tư tuyến ống đưa nước về vùng sâu vùng xa đang phát triển;
- Tiếp tục phối hợp các đơn vị Biwase đầu tư vốn, nhằm cải thiện sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn;
- Dự kiến hết Quý 1/2023, cơ bản xong chương trình thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS.