Lương thế nào là “khủng”?
(Tài chính) Đa số xoay quanh lập luận rằng lương cao hay thấp không quan trọng bằng lương trở thành một trong những động lực làm việc thật sự cho người hưởng lương, để họ có thể tự hào về lương thực lãnh như một minh chứng đánh giá chất xám họ bỏ ra chứ không phải để “khoe” mức lương thấp và “giấu” những khoản khác.
Trong tháng 7 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố các nội dung kiểm toán tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) năm 2012. Trong đó, mức lương bình quân 58 triệu đồng/tháng của Chủ tịch tập đoàn bị chỉ trích là quá cao khi Petrolimex đang kinh doanh thua lỗ.
Câu chuyện chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, thông tin gây chấn động dư luận là những người đứng đầu một số doanh nghiệp (DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra mức lương cho mình lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Có lẽ đây là một trong những thông tin gây sốc nhất cho công chúng Việt Nam trong năm 2013 khi mà nền kinh tế đang vô cùng khó khăn.
Liền sau đó, một số thành phố lớn khác đã công bố mức lương của những người điều hành các DN tương tự. Ví dụ, Đà Nẵng 22 triệu đồng/tháng và Hà Nội 30 triệu đồng/tháng. Rõ ràng đây là những con số thấp hơn rất nhiều và không khó để hiểu được ngụ ý của việc công bố này.
Thực ra chuyện lương lùm xùm nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Người viết bài này không phân tích thêm tính phi lý mà những người điều hành DN công ích nêu trên đã định mức lương cho mình cao như vậy và cũng chưa hẳn tin rằng những nơi có mức lương thấp hơn thì tốt hơn.
Điều đáng lo ngại hơn là cơ chế quản lý tài sản công hiện nay đang tạo “đặc ân” cho một số ít có cơ hội kiếm chác rất nhiều, trong khi phần thiệt thuộc về nhân dân - những người đang được cho là chủ sở hữu nhưng không có công cụ giám sát hữu hiệu người được giao quản lý (thực chất là sử dụng) của công.
Mức lương của Chủ tịch Petrolimex - bèo
Theo số liệu tài chính được kiểm toán năm 2011, tổng tài sản của Petrolimex lên đến 58.000 tỉ đồng và doanh thu 185.000 tỉ đồng. 58 triệu đồng chỉ bằng 1 phần triệu tổng tài sản và 0,3 phần triệu doanh thu. Một tỷ lệ hoa hồng rất rất nhỏ so với tài sản hay doanh thu cũng đã có thể lớn hơn rất nhiều lần mức lương mà ông chủ tịch đã nhận!
Hơn thế, không ít nhà quản lý trung cấp ở các DN thông thường cũng có mức thu nhập trên dưới 60 triệu đồng/tháng. Ví dụ, lương “cứng” của giám đốc chi nhánh các ngân hàng thương mại cổ phần đã lên đến 70 triệu đồng và giám đốc khối ở hội sở cũng lên đến 200 triệu/tháng. Rất nhiều người điều hành hơn nửa triệu DN ở Việt Nam mà hơn 95% là các DN nhỏ và vừa đang có mức thu nhập còn cao hơn nhiều.
Đặc biệt hơn, rất nhiều người điều hành các DNNN có của chìm của nổi với giá trị rất lớn. Những ngôi nhà trị giá triệu đô, những chiếc xe hơi dăm ba tỉ đồng thuộc sở hữu của những người này không phải là hiếm. Những tài sản này thường có được bằng “tiền tươi thóc thật” khi họ đang tại chức chứ không phải nhờ việc tăng giá bất động sản, chứng khoán của họ hay tài sản mà ông bà hay bố mẹ để lại cho dù may mắn khi mua thấp bán cao hay của nả từ ông bà hay cha mẹ để lại cũng có thể xảy ra. 58 triệu/tháng có đáng là bao.
Ở góc độ kỹ thuật tài chính, với một tài sản trị giá 10 tỉ đồng, giả sử suất chiết khấu (suất sinh lợi yêu cầu) chỉ là 12%/năm trong khi tốc độ tăng thu nhập là 6%/năm và bỏ qua trượt giá thì một người đi làm 30 năm, tháng thứ nhất phải dành ra 60 triệu đồng tiết kiệm và tháng thứ 360 con số lên đến 360 triệu đồng. Điều này có nghĩa là nếu toàn bộ tiền lương trong suốt thời gian đi làm chỉ dùng để tiết kiệm, thì giá trị khoản tiết kiệm (quy về thời điểm hiện nay) của một người có thu nhập 58 triệu đồng/tháng khi gần về hưu chỉ khoảng 4 tỉ đồng.
Vài trăm triệu - chưa hẳn là cao
Cũng những phân tích tương tự như trên, thì mức lương vài trăm triệu/tháng của những người điều hành các DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh chưa hẳn là cao.
Thứ nhất, quy mô các DN công ích đang được nhắc đến không khiêm tốn chút nào. Khoản chi tiêu hàng năm ít thì dăm ba trăm tỉ đồng, nhiều thì hàng ngàn tỉ đồng. Với quy mô như vậy, theo cơ chế thị trường sòng phẳng, những người quản lý DN có mức lương vài trăm triệu đồng/tháng cũng không có gì quá đáng. 1% “hoa hồng” của dăm ba trăm tỉ thì đã hơn mức lương nêu trên và nếu quy mô chi tiêu vài ngàn tỉ thì chỉ cần 0,1% mà thôi.
Thứ hai, thu nhập của nhiều người điều hành các DN tư nhân có quy mô thông thường ở mức vài trăm triệu/tháng là không hiếm. Do vậy, với những người có khả năng điều hành các DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh thì mức lương như vậy cũng chỉ thường thường bậc trung.
Thứ ba, trên thực tế, giá trị tài sản của không ít những người điều hành các DNNN (có quy mô nhỏ hơn các DN công ích được nêu) cũng ở mức vài ba chục tỉ đồng, hay tương ứng với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng. Như vậy mức lương của những người điều hành các DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh đâu phải là cao.
Nếu lương là nguồn thu nhập chính yếu của những người điều hành các DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh và các nguồn khác không đáng kể thì đây là một dấu hiệu đáng mừng vì nhìn vào đó công chúng sẽ biết thu nhập của những người này là bao nhiêu. Ngược lại, nếu lương đã “khủng” như vậy mà các khoản thu nhập khác cũng vẫn “khủng” như hoặc hơn những người điều hành các DNNN khác cùng quy mô thì vấn đề chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng.
Cần đối diện với thực tế
Giả sử những người điều hành các DNNN không có các nguồn thu nhập khác, thì mức lương mà họ đang được nhận liệu có tương xứng với công sức mà họ bỏ ra? Chắc hẳn là không. Thực ra, thu nhập chính của rất nhiều người quản lý các DNNN hay có vị trí trong các cơ quan công quyền là các khoản thu nhập ngoài lương mà ngôn ngữ đời thường gọi là “lậu”.
Do vậy, cần phải cộng lương và “lậu” để so sánh. Khi đó mức lương - phần nổi của tảng băng - vài chục triệu chưa hẳn khác với vài trăm triệu vì cả hai đều quá nhỏ so với phần chìm.
Với mức lương 58 triệu đồng/tháng của ông Chủ tịch Petrolimex nên đặt câu hỏi sao lại thấp vậy thì hợp lý hơn. Còn chuyện lương vài trăm triệu của những người điều hành DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh cũng không đáng lo bằng con voi to lù lù đang đứng giữa phòng - tình trạng tham nhũng tràn lan - mà ai cũng thấy.
Không ít những người điều hành DNNN nói riêng, quản lý tài sản hay quyền lực của Nhà nước nói chung đang có nhiều của nổi của chìm mà mức lương của họ không thể nào sánh được. Của công đang được quản lý quá lỏng lẻo. Tham nhũng, lãng phí, thất thoát cũng từ đây mà ra.
Việc những người điều hành các DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh dám đặt cho mình những mức lương mà nhiều người cảm thấy phi lý như vậy là do cơ chế hiện tại có những trục trặc nghiêm trọng. Cái gốc là căn bệnh tham nhũng trầm kha đang làm lụn bại nền kinh tế và băng hoại đạo đức xã hội kia.
Muốn gì thì muốn, đã là con người thì ai cũng cần một mức thu nhập cao để có một cuộc sống sung túc. Công bằng là tốt cho xã hội, nhưng không nên phủ nhận thực tế rằng thu nhập thường tương ứng với vị trí và quyền lực của mỗi người. Lương không đủ thì đã có “lậu”. Chỉ có thể kiểm soát được nếu như hầu hết các khoản “lậu” được chuyển thành lương.
Sẽ không thể khả thi nếu tăng lương đồng loạt cho tất cả đội ngũ công chức ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể áp dụng từ các DNNN. Cần phải tạo ra một mức thu nhập chính thức thỏa đáng với công sức của từng vị trí đi kèm với những cơ chế quản lý hợp lý để tạo động cơ khuyến khích cũng như trừng phạt khi làm sai.
Tạo ra cơ chế cạnh tranh và áp lực có thể mất rất nhiều nếu làm sai do cố ý để mỗi vị trí phải tự làm tốt và có hiệu quả hơn thì mới có thể chống được tham nhũng, lãng phí. Bằng không, nếu chỉ tập trung vào những vấn đề mang tính hiện tượng, bộc phát thì nỗ lực chống tham nhũng khó có kết quả như mong đợi. Khi đó, Việt Nam sẽ khó mà bằng bạn bằng bè.