M&A bất động sản 2024: Nhà đầu tư cần minh bạch về chính sách


Giai đoạn tới, các chủ đầu tư tại Việt Nam cần tập trung vào các dự án bất động sản (BĐS) công nghiệp có sự minh bạch về quy hoạch đô thị, đặc biệt là các khu vực công nghiệp và logictics.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Raoul Imback, Phó Trưởng phái đoàn Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Sri Lanka và Maldives nhấn mạnh tại phiên thảo luận về M&A bất động sản do cộng đồng M&A Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Tại Phiên thảo luận về M&A bất động sản, bà Vũ Thị Thu Hà - Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty Luật TNHH ATS cho biết, trong năm 2023, M&A Bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đối diện với nhiều thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi đến từ nhu cầu muốn tái cấu trúc của các đơn vị chủ đầu tư nhằm đảm bảo dòng tài chính và tập trung vào các thế mạnh của đơn vị mình. Đặc biệt, các dự án BĐS có vị trí đắc địa, đồng bộ hóa hạ tầng và phát triển bền vững sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khó khăn cũng hiện hữu. Sự biến động giá đất, thiếu nguồn cung và các vấn đề về quy hoạch có thể tạo ra những thách thức trong quá trình thực hiện giao dịch. Ngoài ra, yếu tố rủi ro pháp lý và thay đổi chính sách của Chính phủ cũng là những điểm cần quan tâm. "Để thành công, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt và đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố này, đồng thời tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường BĐS Việt Nam đang phát triển tích cực" - bà Hà nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên Công ty Luật LNT partners đưa ra những nhận định về thị trường M&A Việt Nam. Thứ nhất, đối với giá đất, hiện Chính phủ đang ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, theo đó dự kiến việc xác định giá đất sẽ còn 4 phương pháp: phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư và phương pháp hệ số giá đất. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này cũng dựa trên định hướng Nghị quyết 18/TW-NQ sửa đổi Luật Đất đai, theo đó việc định giá đất phải công khai, minh bạch và tiệm cận giá thị trường.

Thứ hai, yếu tố lòng tin, hiện nay các vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng đầu tư vào bất động sản nên các dư án M&A sẽ khó triển khai. Bởi vì, việc sụt giảm niềm tin của khách hàng sẽ dẫn đến thị trường khó phục hồi và khó huy động vốn cho M&A.

Thứ ba, yếu tố pháp lý, hiện nay theo tổng kết, các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm hơn 285 văn bản luật và nghị định liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau từ khâu quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp do vậy không tránh khỏi những chồng chéo, mâu thuẫn trong việc thực hiện các dự án bất động sản.

Ông Lê Đình Chung – Phó Tổng GĐ Tập đoàn SGO Group, Tổng giám đốc SGO Homes, thành viên Tổ nghiên cứu thị trường Hiệp hội môi giới BĐS VN nhận định, trong giai đoạn tới, bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở tại các TP lớn như Hà Nội, Tp HCM sẽ là điểm sáng của ngành bất động sản. Với sự gia tăng của thương mại điện tử và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu về không gian lưu trữ và logistics tăng cao. Bất động sản công nghiệp có thể hưởng lợi từ xu hướng này, đặc biệt là ở các vị trí gần các trung tâm đô thị và cảng biển.

Ngược lại, có khả năng các phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng hoặc bất động sản thương mại (như văn phòng và bán lẻ) có thể gặp khó khăn do yếu tố như biến động giá đất, ảnh hưởng của dịch bệnh, và sự thay đổi trong mô hình kinh doanh. Do đó, sự tập trung vào bất động sản công nghiệp có thể mang lại cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn tới.

Theo ông Raoul Imback, Phó Trưởng phái đoàn Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Sri Lanka và Maldives nhấn mạnh, để thu hút các nhà đầu tư từ Khối Châu Âu, cần có sự minh bạch trong các vấn đề liên quan đến tài chính và chính sách. Các nhà đầu tư đến từ Châu âu sẽ ưu tiên đầu tư vào các thị trường ít rủi ro về mặt pháp lý.

Trong giai đoạn sắp tới, các chủ đầu tư tại Việt Nam cần tập trung vào các dự án bất động sản công nghiệp có lợi ích từ sự minh bạch về quy hoạch đô thị, đặc biệt là về các khu vực công nghiệp và logictics.

Một lĩnh vực khác có thể sẽ thu hút được đầu tư từ Châu Âu đó là các lĩnh vực về Công nghiệp Công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của Thế giới cũng như sự dịch chuyển đầu tư và nhà máy từ Trung Quốc do các vấn đề về thương mại và chính trị.

Theo Thu Duyên/Diendandoanhnghiep.vn