M&A bất động sản linh hoạt hơn sau chính sách mới

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Việc pháp luật cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đã giúp hoạt động mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án bất động sản trở nên nhộn nhịp hơn và giúp nhiều nhà phát triển bất động sản lớn chủ động trong việc tìm kiếm quỹ đất cho chiến lược phát triển dài hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hoạt động M&A bất động sản sôi động hơn hẳn kể từ đầu năm 2015 với hàng loạt thương vụ đình đám được công bố. Bên cạnh sự tích cực của nhiều đại gia nội là sự xuất hiện của cả nhà đầu tư nước ngoài với những nước cờ thâu tóm đầy toan tính.

Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2016, đã có nhiều thương vụ M&A bất động sản được thực hiện thành công bởi các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Giao dịch đáng chú ý là thương vụ Keppel Land bỏ ra 93,9 triệu USD để nhận chuyển nhượng 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến nhiều giao dịch M&A tài sản đầu tư (các bất động sản đang hoạt động) khác, như thương vụ A&B Tower (TP. Hồ Chí Minh), Khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), Khu Resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Trong khi các đại gia trong nước cũng không hề kém cạnh với các thương vụ nhưBitexco mua cổ phần của Công ty Du lịch Hương Giang (Huế)...

Những thương vụ M&A xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc trên cho thấy, niềm tin vào thị trường Việt Nam đang ngày càng được củng cố và nâng cao trong con mắt của cả nhà đầu tư nội và đầu tư ngoại.

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, điểm nhấn đáng chú ý có thể thấy rõ là nhờ cú “huých” từ những quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 76/2015/NĐ-CP, đã giúp cho các nhà đầu tư chủ động hơn trong việc tìm kiếm những quỹ đất đẹp, phục vụ cho mục tiêu phát triển dài hạn của mình.

Trong đó, quy định được coi là quan trọng nhất là việc chủ đầu tư dự án bất động sản được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản cho chủ đầu tư khác để đầu tư tiếp khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc đầu tư được chấp thuận bằng văn bản.

Cụ thể, dự án/phần dự án được chuyển nhượng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, như dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt; phải hoàn thành xong các nghĩa vụ về tài chính, về thuế, về giải pháp mặt bằng.

Với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thì phải hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo đúng tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt. Ngoài ra, dự án cũng phải đảm bảo không có tranh chấp, không bị kê biên để thực hiện quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc để bảo đảm thi hành án; không có quyết định thu hồi đất, thu hồi dự án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Sohovietnam, người đã đứng ra môi giới nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản cho biết, với việc Nghị định 76/2015/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, cho phép các chủ đầu tư, doanh nghiệp được phép chuyển nhượng dự án hoặc cho phép chuyển nhượng một phần dự án, chắc chắn sẽ tác động tốt đến thị trường bất động sản, vì nó làm cho thị trường M&A dự án bất động sản trở nên minh bạch hơn.

“Việc mua bán giữa 2 bên sẽ không còn phải ‘lách’ bằng cách mua cổ phần doanh nghiệp như trước đây, bất động sản với tư cách là đối tượng giao dịch được giao dịch được cơ quan nhà nước công nhận, bảo hộ. Từ đó, thị trường sẽ minh bạch hơn, thanh khoản hơn, dần dần sẽ rõ ràng hơn”, ông Cần cho biết thêm.